Thực hư phơi nhiễm HIV vì uống trà Phúc Long có băng cá nhân?

Một tài khoản Facebook cho rằng bác sĩ chuẩn đoán nghi phơi nhiễm HIV do miếng băng cá nhân đã qua sử dụng trong ly trà vải thương hiệu Phúc Long.

Phúc Long nói gì về băng cá nhân trong ly trà sữa

Vừa qua, một tài khoản trên Facebook đã chia sẻ phải điều trị uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV sau khi phát hiện miếng băng keo cá nhân trong cốc trà vải tại cửa hàng Phúc Long trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP.HCM.

Theo thông tin đăng tải, ngay sau khi phát hiện băng keo cá nhân đã qua sử dụng, họ đã phản ánh với quản lý và yêu cầu công ty phải đem miếng băng keo cá nhân đi xét nghiệm, đồng thời bản thân người uống ly trà vải có dị vật này cũng đã đi khám ở các bệnh viện trong thành phố.

"Sau khi khám tại BV Bệnh nhiệt đới, với tình trạng miếng băng keo cá nhân đã qua sử dụng, tức là có khả năng dính máu rất cao, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng bị phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan hay HP... nên bác sĩ đã ngay lập tức kê đơn thuốc phòng chống phơi nhiễm với liều dùng 28 ngày để đảm bảo hiệu quả tốt nhất của loại thuốc này. Phải đợi sau ba tháng thì mới đủ thời gian để xét nghiệm ra kết quả chính xác là có bị lây nhiễm hay không? Tụi mình đã rất sốc với chẩn đoán này của bác sĩ. Không ai nghĩ mình có thể bị nhiễm những bệnh đó chỉ vì một ly trà vải” - nội dung bài viết đang gây hoang mang.

Cũng trong bài đăng này, người này cung cấp công văn phúc đáp của Phúc Long. Theo đó ngày 17-9, công ty đã có cuộc gặp gỡ với khách hàng để trích xuất camera tại quầy pha chế và không tìm thấy điều gì bất thường trong khâu pha chế. “Bên cạnh đó, vị trí ngồi của khách hàng (người uống phải ly trà sữa có băng cá nhân) camera không quay tới, điều này gây khó cho chúng tôi trong quá trình xác định nguyên nhân tồn tại của miếng băng keo cá nhân” - nội dung công văn trả lời.

Cũng trong công văn này, Phúc Long thông tin việc đưa miếng băng keo cá nhân đi xét nghiệm tại ba cơ sở y tế uy tín tại TP.HCM nhưng đều bị trả về cùng một lý do không nhận xét nghiệm vật dụng đã mở. Do đó chưa có kết quả về việc băng cá nhân này có đảm bảo an toàn hay không. Tuy nhiên phía công ty cũng hỗ trợ người phản ánh 5 triệu đồng để khám chữa bệnh.

Phóng viên PLO đã liên hệ điện thoại với đại diện Phúc Long về thực hư công văn cũng như vụ việc, song phía công ty từ chối liên hệ qua điện thoại và cho biết sẽ có văn bản trả lời email cụ thể trong thời gian tới.

Công văn phúc đáp được cho là Phúc Long, trả lời trước sự việc trên.

Công văn phúc đáp được cho là Phúc Long, trả lời trước sự việc trên.

Có hay không, việc lây nhiễm HIV?

Thông tin trên, đã gây hoang mang cho người dùng khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi liệu có lây nhiễm HIV thông qua đường ăn uống?

Người khách này lo lắng bị phơi nhiễm HIV do uống ly trà phải có băng keo cá nhân đã qua sử dụng.

Người khách này lo lắng bị phơi nhiễm HIV do uống ly trà phải có băng keo cá nhân đã qua sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, cán bộ Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển Y tế Việt Nam - HAIVN khẳng định không nghiên cứu nào cho thấy HIV lây qua đường tiêu hóa, mà cụ thể là trong môi trường trà sữa, bởi virus HIV sẽ bị môi trường nước tiêu diệt.

Theo bác sĩ có hai vấn đề cần lưu ý, thứ nhất virus HIV chỉ lây với điều kiện có máu tươi, ngay cả đối với máu khô thì xác suất lây nhiễm cũng rất khó.

Với trường hợp này, bác sĩ Liêm cho hay nếu băng cá nhân đã qua sử dụng có dính máu đi chăng nữa, thì khi rơi vào trong ly trà sữa, các thành phần nước có trong ly dù không có tác dụng kháng hay diệt virus nhưng nó không cho phép virus HIV tồn tại được trong môi trường nước. Xác suất virus HIV còn sống con trong môi trường trà sữa chỉ là 1/100.000%.

Thứ hai nếu đường tiêu hóa của người uống ly nước này không bị trầy xước ở răng miệng hay đường tiêu hóa không hề bị chảy máu dạ dày, không xuất huyết tiêu hóa thì khả năng lây nhiễm cũng chỉ là 1/100.000%.

“Như vậy 1/1000.000% của virus HIV rớt trong ly trà sữa còn sống được cộng với 1/100.000% lây qua đường tiêu hóa lành lặn, thì tỉ lệ lây nhiễm HIV hai cái đó thì trở thành 1/1 triệu. Con số vô cùng nhỏ. Có thể nói rằng nếu HIV không sống trong môi trường máu tươi thì khả năng lây nhiễm HIV ở trong tình huống này (lây qua đường tiêu hóa-PV) không thể xảy ra”.

Bác sĩ Liên cũng thông tin, theo khoa học HIV có ba con đường lây nhiễm cơ bản, bao gồm dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục và mẹ sang con. Bản chất của quá trình này là thông qua đường máu, vì vậy HIV sẽ không lây qua đường tiêu hóa.

“Khi uống trà sữa, nước có chứa máu bị nhiễm HIV sẽ đi vào dạ dày, lúc này từ khoang miệng đã có môi trường nước bọt, tới dạ dày có dịch vị chúng sẽ làm trung hòa các virus, trong khi đó virus HIV chỉ có trong dịch tiết của người bệnh nên chỉ lây khi người bệnh và người lành tiếp xúc qua máu tươi ở các vết thương hở với nồng độ thích hợp. Đó là chưa kể đến băng cá nhân thường được dùng để dán các vết trầy xước nhỏ chứ không cầm máu do đó lượng máu ở băng cá nhân thương ít, và máu khô nhanh chóng, do đó khả năng lây nhiễm lại càng thấp" - bác sĩ thông tin.

Với các khả năng lây bệnh khác như viêm gan siêu vi B, C, D theo BS Liêm cũng không lây qua đương tiêu hóa mà đường lây nhiễm giống như virus HIV. Vị chuyên gia này cho rằng rất có thể người này bị chứng rối loạn tâm lý, ám ảnh máu bị HIV dẫn đến rối loạn tâm lý và lo sợ bản thân bị lây nhiễm HIV.

NGUYÊN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-sach-song-khoe/thuc-hu-phoi-nhiem-hiv-vi-uong-tra-phuc-long-co-bang-ca-nhan-861332.html