Thực hư phương pháp 'nuôi cấy tế bào mầm sinh tóc'

Hiện nay trên thị trường xuất hiện những lời quảng cáo về dịch vụ 'nuôi cấy tế bào mầm sinh tóc' có thể giúp cải thiện tình trạng rụng tóc, hói đầu lâu năm. Vậy thực hư phương pháp này như thế nào? Để độc giả có cái nhìn tổng quan hơn, Sài Gòn Tiếp Thị sẽ hệ thống lại các thông tin liên quan về giải pháp làm đẹp trên qua những chia sẻ từ TS.BS Huỳnh Thị Xuân Tâm, Giảng viên bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.

Theo TS.BS Huỳnh Thị Xuân Tâm một chu kỳ phát triển của sợi tóc trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn Anagen (chiếm 90% thời gian phát triển của sợi tóc, kéo dài khoảng 2 năm), giai đoạn Catagen (giai đoạn nghỉ, chiếm 10% thời gian phát triển của sợi tóc, giai đoạn này tóc bắt đầu yếu dần, chuyển sang giai đoạn cuối) và giai đoạn Telogen hay còn gọi là giai đoạn rụng tóc.

Cấu trúc và quá trình phát triển của sợi tóc

Cấu trúc và quá trình phát triển của sợi tóc

Bác sĩ Tâm cho biết, tình trạng rụng tóc, hói đầu xuất phát từ hai nguyên nhân chính là nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh. Trong trường hợp rụng tóc không để lại sẹo bởi các nguyên nhân thường gặp như: stress, giảm cân quá mức, bệnh lý nội khoa đi kèm (viêm họng, viêm xoang, viêm mũi…) hoặc rụng tóc sau sinh, sau phẫu thuật… thì tóc sẽ mọc lại khi những sang chấn đó đi qua. Tuy nhiên đối với trường hợp rụng tóc để lại sẹo do tai nạn, bỏng, do di truyền… tóc sẽ không mọc lại do nang tóc và mầm sinh tóc đã bị tổn thương và không thể phục hồi.

Đối với trường hợp rụng tóc không để lại sẹo, bệnh nhân có thể chọn phương pháp cải thiện từ bên trong, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của tế bào mầm sinh tóc chẳng hạn như vitamin, canxi, kẽm hay vitamin nhóm B.

Còn với trường hợp rụng tóc để lại sẹo người bệnh có thể chọn giải pháp cấy tóc. Tuy nhiên phương pháp này khá tốn kém, thời gian sử dụng ngắn vì khi cấy tóc nhân tạo một thời gian sẽ có hiện tượng thải ghép. Trong 4-6 tháng sợi tóc được cấy sẽ rụng dần đi, bên cạnh đó sẽ làm nhiễm trùng nang tóc.

“Không phải sợi tóc nào cũng rụng mà bên cạnh đó còn có những sợi tóc lành, nếu chúng ta tạo sang chấn cơ học, cấy sợi tóc nhân tạo vào sẽ vô tình làm tổn thương nang tóc lành bên cạnh, dẫn đến trường hợp nhiễm trùng và làm yếu đi các sợi tóc lành” – Bác sĩ Tâm chia sẻ.

Cấy tóc nhân tạo và việc đưa những dưỡng chất vào trong nang tóc là hai phương pháp làm đẹp hoàn toàn khác nhau. Nhiều người lầm tưởng việc tiêm dưỡng chất là “nuôi cấy tế bào mầm sinh tóc”. Vậy hiệu quả của của phương pháp này như thế nào, mời quý độc giả cùng lắng nghe những lời giải thích chuyên môn từ TS.BS Huỳnh Thị Xuân Tâm.

Trúc Nhã – Minh Khoa

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/thuc-hu-phuong-phap-nuoi-cay-te-bao-mam-sinh-toc/