Thực hư tác dụng viên kẹo giải rượu giúp tiệc tùng 'tới bến'
Theo quảng cáo, người dùng chỉ cần ăn 3 viên trước khi uống rượu 15 phút, tửu lượng sẽ tăng cao, và cơn say rượu sẽ tan biến nếu nhai khi đã xỉn.
Cuối năm là thời điểm có nhiều tiệc liên hoan, tất niên. Trong đó, uống bia rượu là điều không thể thiếu. Làm thế nào để uống được nhiều bia, rượu mà không say hay cách nào để giải rượu là điều nhiều người quan tâm để “đối phó” với những bữa tiệc tất niên này.
Nắm bắt xu hướng đó, mới đây, trên mạng có rao bán một loại kẹo có tác dụng giúp người uống lâu say và giải rượu nhanh.
Theo miêu tả, viên kẹo này có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Kẹo dạng viên nhai mềm. Loại kẹo này được quảng cáo có thành phần chính là Curcumin 30 mg (tinh chất bột nghệ), giúp "xả" nhanh lượng cồn trong máu, từ đó giúp uống lâu say hơn, cũng như giải say nhanh chóng.
Người bán hướng dẫn chỉ cần ăn một gói (gồm 3 viên kẹo) trước khi uống 15 phút để tăng tửu lượng và một gói sau ăn để giải rượu.
Curcumin giải rượu thần kỳ?
Khi phóng viên đưa hình ảnh và tác dụng về loại kẹo này, thạc sĩ, lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội) khẳng định: “Hiện nay chưa có loại thuốc hay loại kẹo nào có khả năng giải rượu và giúp uống rượu không say, nâng cao tửu lượng. Tinh bột nghệ (curcumin) cũng không có tác dụng nâng cao tửu lượng cho người uống. Trong các bài thuốc, củ nghệ chỉ được nhắc đến là vị thuốc có chút ít tác dụng giải rượu - tức sau khi uống say”.
Loại kẹo này cũng được rao bán nhiều trên các trang mạng quốc tế, trong đó công bố thành phần chính là tinh bột nghệ, được miêu tả là có tác dụng giải rượu. Riêng vị xoài chỉ là hương liệu.
Theo thạc sĩ Trung, một vấn đề cần hết sức lưu ý là trong những viên kẹo đó có tinh bột nghệ thật sự hay không. Điều này khó có thể kiểm chứng.
“Dù sản phẩm có mùi của nghệ, nhưng có thể đó chỉ là mùi hương liệu, chưa kể đến nguy cơ người sản xuất có thể sử dụng hóa chất để người uống lâu say hơn. Điều này vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người uống”, thạc sĩ Trung khuyến cáo. Người sử dụng nên kiểm tra kỹ nguồn gốc, lựa chọn sản phẩm của các hãng uy tín trong lĩnh vực dược phẩm.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết Đông y có một số món ăn, bài thuốc, vị thuốc từ xa xưa được ghi nhận là có tác dụng giải rượu như nộm ngó sen, rau củ quả trộn dấm, lạc rang hay một số loại hoa quả như có vị chua như chanh, bưởi, quýt…
Trước khi uống rượu, việc ăn lót dạ hoặc uống sữa trước cũng là một giải pháp giúp lâu say hơn, đồng thời bảo vệ sức khỏe trước tác hại của rượu bia. Ngoài ra, bạn cũng có thể bôi dầu nóng vào gan bàn chân trước khi uống rượu.
“Để đảm bảo sức khỏe, nhất là trong dịp Tết, người dân nên hạn chế uống rượu bia, hoặc uống theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, không nên lạm dụng rượu bia kẻo tiền mất, tật mang”, thạc sĩ Trung khuyến nghị.
Bản chất thực sự của thuốc giải rượu
Nhiều năm nghiên cứu về ngộ độc rượu, PGS.TS.BS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện 103, Hà Nội) cho biết trên thị trường có nhiều loại thuốc, nhưng thường kết hợp 2 trong 1 theo hai cơ chế. Thứ nhất, thuốc làm môn vị dạ dày (một cơ vòng nối liền dạ dày với đoạn đầu của ruột non) đóng lại trước khi uống rượu. Theo đó, rượu sẽ nằm trong dạ dày, không đi xuống ruột non và khiến người uống có cảm giác không say.
Đến một thời gian nhất định, thường khi về nhà, môn vị dạ dày cần mở ra, rượu sẽ ồ ạt chảy xuống dưới khiến mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Lượng rượu trong máu quá cao nên đa số người uống thuốc giải rượu không thể dậy nổi vào sáng hôm sau.
Thứ hai, thuốc giải rượu góp phần làm chuyển hóa rượu. Về điều này, chuyên gia nhấn mạnh trên thực tế, không có bất cứ loại thuốc nào giúp chuyển hóa rượu nhanh hơn như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Những loại thuốc giải rượu được bán ở thị trường, thành phần chính là vitamin nhóm B, vitamin PP, B1, B2, B6. Chúng có thể giúp chuyển hóa nhưng đó là chuyện sau này, không phải tức thì khi uống rượu.
Khi uống vào, thuốc nằm ở dạ dày cùng rượu nên rất khó để hấp thu. Kể cả khi đã được hấp thu, chúng chỉ có tác dụng làm chuyển hóa thuận lợi hơn chứ không phải nhanh hơn. Do đó, trông đợi vào thuốc giải rượu và các loại vitamin này là sai lầm.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuoc-giai-ruou-post707073.html