'Thực – Hư' trong giáo dục gia đình

Xã hội hiện đại có nhiều biến chuyển nhưng môi trường gia đình vẫn là 'cái nôi', là nền tảng, có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng, hình thành nhân cách con người.

GD&TĐ - Xã hội hiện đại có nhiều biến chuyển nhưng môi trường gia đình vẫn là “cái nôi”, là nền tảng, có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng, hình thành nhân cách con người.

Sẻ chia là đức tính mà mỗi con người cần có trong cuộc sống.

Sẻ chia là đức tính mà mỗi con người cần có trong cuộc sống.

Những câu chuyện nhỏ có thể giúp nhiều bậc phụ nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách cho con trẻ, giúp các em chống lại các tệ nạn xã hội, trở thành mầm xanh tương lai của đất nước.

Từ chuyện “Khôn ngoan đối đáp người ngoài”

Đây là câu tục ngữ mà nhiều cha mẹ nói với con mình nhất. Họ dạy con phải đoàn kết, thương yêu những người trong gia đình, chỉ “đối đáp” với người ngoài thôi.

Đối đáp người ngoài có thể được hiểu là đối phó, đối xử với người ngoài, dùng câu chữ hoặc hành động trấn áp, thuyết phục người ngoài, những lực lượng ngoài xã hội...

Sáng nay, khi lang thang đi chợ, tôi nghe được câu chuyện của một bà mẹ: “Con em ngu lắm chị ạ. Khôn ngoan đối đáp người ngoài, đằng này, nó lấy tiền của em, của chị nó”.

Vậy thì nó nên lấy tiền của ai? Theo lời người mẹ, nó sẽ đi ra ngoài mà đối phó, trấn áp, lấy tiền của người ngoài sao?

Tự dưng, tôi chột dạ!. Từ trước đến giờ tôi tuân thủ nguyên tắc: “Tứ hải giai huynh đệ”, không cần lừa ai, không cần đối phó ai. Tôi luôn cảm thấy việc dạy ai đó đối phó với một ai đó, trấn áp, gian manh... chẳng được tích sự gì. Đúng như vậy, bạn được hưởng lợi gì khi có chút chiến thắng mà lòng đầy mưu mô? Tại sao phải in sâu vào đầu tư tưởng ra ngoài là cuộc chiến tranh giành?

Tôi thì biết rõ, trong trường hợp này, người mẹ dù cố dạy con, muốn con “đối đáp” người ngoài, nhưng chị ấy đâu biết, con chị ham chơi. Cháu nợ người ta tiền “chơi điện tử”, cháu còn cầm cả xe đạp điện...

Cũng có thể, cháu đã hết chỗ “đối đáp” bên ngoài rồi mới về lấy tiền trong ví mẹ! Và chuyện đó sẽ còn lặp lại, chị ấy sẽ còn than van, như chúng ta sẽ còn than van khi chúng ta chưa nhận ra, và làm thế nào để con trung thực, chăm chỉ, quản lý bản thân tốt. Giá trị và đạo đức bắt nguồn từ cách hiểu, cách dạy của mẹ cho con. Tôi rất mong xã hội này, không ai chuẩn bị “đối đáp” ai từ nhỏ cả.

Tự tin giúp trẻ nhận được những kỹ năng sống tốt.

Tự tin giúp trẻ nhận được những kỹ năng sống tốt.

Thông minh hơn hay kiên trì hơn?

Lúc khấn cầu, các sĩ tử thầm ước: “Xin trời đất phù hộ cho con thông minh”. Lúc khoe con cái, bố mẹ, ông bà đều khoe: Cháu thông minh lắm, cháu đọc nhanh, tính nhanh... Thông minh đúng là món quà trời ban. Chắc vì thế ai đó có được nó hoặc cha mẹ thấy con mình có thì đều cảm thấy may mắn, hạnh phúc.

Còn ngược lại, nếu không có, họ lại nghĩ mình bất hạnh, thiệt thòi. Vì thế mà nghĩ mình không thể thành công được.

Nhưng người thành công lại kể rằng, cái giúp họ thành công không phải ở ý tưởng chớp nhoáng, nhanh hiểu do thông minh mang lại. Họ đã kiên trì để thành công. Họ đã kiên trì để vượt qua từng trở ngại, để mỗi ngày quên đi sự thông minh của mình. Chỉ còn niềm tin rằng: Hãy kiên trì. Mỗi ngày bản thân sẽ lớn lên với kinh nghiệm, với sự trưởng thành, với sự thích nghi, dần đến Tự tin, tự chủ.

Đứa trẻ thông minh nếu không có sự kiên trì thì đều dễ rơi vào bất mãn. Vì họ tưởng rằng thông minh là đủ. Nên họ thấy sự thành công mà chẳng phải từ thông minh thì coi thường lắm. Họ lại nghĩ đó là sự bất công.

Biết đâu rằng đa số những thành công bình thường, đều bắt nguồn từ sự kiên trì đến cùng.

Sự bất mãn có phải là hệ quả của thông minh hay không? Nếu thế, xin từ bỏ ngay từ đầu.

Thế nên, nếu ta giúp gì được đứa trẻ, chắc không phải là làm chúng thông minh hơn!

Giúp chúng kiên trì hơn; Vượt khó hơn; Say mê hơn...

Đến với sân khấu lớn

Tôi thi thoảng vẫn rất ngại khi đứng trên sân khấu hay trước máy quay. Trong hàng nghìn giây của một ngày, cái giây đứng trên sân khấu bao giờ cũng khiến con người căng thẳng.

Có người nói với những người chuyên nghiệp thì làm gì còn cảm giác đó. Nhưng tôi tin là họ vẫn căng thẳng. Hoặc giả họ không căng thẳng trên sân khấu thì lại rất căng thẳng ở ngoài đời.

Đứng trước người khác, hoặc ta sẽ trở thành người lạ với chính ta hoặc ta lạ với người quen nhìn ta. Sự hoàn hảo. Sự cố gắng tạo ra hình mẫu. Sự giấu giếm những khuyết điểm. Sự phô trương những điều mà ta cố luyện tập. Và kết quả là, sân khấu làm ta không được như sự chuẩn bị của mình.

Khi chứng kiến con hùng biện. Con hát. Con phát biểu trên sân khấu, mẹ thấy con rất khác. Con không còn sự vô tư. Không nói to. Không có cao giọng. Con dịu dàng quá. Khiến mẹ cho rằng vì thế làm con không được giải nhất hôm nay. Con đã để nỗi lo lắng, để sự đóng kịch thâm nhập vào ngôn ngữ. Trên sân khấu, của người khác, con đã không chiến thắng.

Lí thuyết của mẹ là “Tự tạo ra sân khấu”. Nghệ sĩ sẽ tỏa sáng. Con có muốn tìm ra sân khấu của con không?

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/thuc-hu-trong-giao-duc-gia-dinh-6dOlr7PnR.html