Thực hư việc chính quyền cưỡng chế cà phê đang chín mà không thông báo
Nhiều người dân vô cùng bức xúc khi xem clip ghi lại cảnh chính quyền cho người cưỡng chế đất bằng cách đưa cưa máy cắt hạ cà phê trĩu quả đang chuẩn bị thu hoạch. Nhưng phía chính quyền khẳng định đã làm đúng quy trình và buộc phải cưỡng chể để giao mặt bằng.
Những ngày qua trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip dài hơn 31 phút ghi lại cảnh đoàn cưỡng chế gồm nhiều ban, ngành của huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai tiến hành cưa hạ vườn cà phê đang vào mùa thu hoạch, trái vẫn còn chín đỏ cành của người dân tại xã thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah.
Trong clip, người dân đã phản ứng gay gắt nhưng đoàn cưỡng chế vẫn cho cưa máy cưa hạ vườn cây. Ngay sau khi được đăng tải, nhiều người đã được chia sẻ, phát tán rộng rãi trên mạng xã hội với nhiều bình luận chê trách chính quyền chèn ép, gây thiệt hại cho dân.
Thậm chí, người quay clip còn cho rằng trước khi chính quyền tổ chức cưỡng chế, người dân chưa nhận tiền đền bù hay thông báo nào.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Chư Pah, cho rằng việc cưỡng chế trên được thực hiện vào ngày 28-11 để thực hiện dự án đường dây điện 500kv Dốc sỏi – TP Pleiku. Riêng đoạn qua huyện Chư Pah dài 19,6km đi qua 5 xã với 46 vị trí móng trụ, diện tích bị ảnh hưởng gần 700.000m2. Trong đó, thu hồi hơn 18.000 m2 đất của 53 hộ dân.
UBND huyện Chư Pah đã lên phương án đền bù và đã thực hiện việc chi trả cho 47/53 hộ dân, còn 6 hộ vẫn không nhận tiền đền bù vì cho rằng mức đền bù quá thấp. Mặc dù UBND huyện đã nhiều lần vận động, nhưng các hộ trên vẫn không đồng ý nên UBND huyện đã tiến hành cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho kịp tiến độ. Trước khi cưỡng chế, UBND huyện đã gửi thông báo đến các hộ dân biết để thu dọn tài sản trên đất cưỡng chế.
"Chúng tôi đã nhiều lần xuống tận nhà để vận động người dân đồng thuận nhưng không được. Thực tế việc áp dụng bồi thường phải làm theo khung giá mà tỉnh, pháp luật đã quy định. Thậm chí, chúng tôi đã đề nghị người dân có thể không nhận tiền đề bù, tiếp tục khiếu nại nhưng tài sản đã được kiểm kê, có hồ sơ rồi thì cứ giao đất để kịp tiếp độ nhưng người dân không chấp hành. Việc cưỡng chế là việc cực chẳng đã" – ông Dung nói.
Cũng theo ông Dũng, dự án đường dây điện 500kv đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo và yêu cầu phải hoàn thành xong công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng để thi công trước ngày 30-9. Tuy nhiên, do vướng 6 hộ dân không chịu nhận tiền đền bù, không chấp hành bàn giao mặt bằng nên đã chậm trễ 2 tháng, gây ảnh hưởng tiến độ công trình trọng điểm quốc gia.
Tại vị trí đất bị cưỡng chế, nhiều người dân đang thu gom những quả cà phê trên những thân cây đoàn cưỡng chế vừa cưa hạ. Các hộ dân cho rằng do mức giá đền bù quá thấp nên quyết không nhận mà yêu cầu bồi thường thỏa đáng.
Bà Cao Thị Biên (phường Yên Thế, TP Pleiku) cho biết không phản đối việc thu hồi nhưng chỉ đền bù thiệt hại giá 400.000 đồng/cây cà phê đang kinh doanh là quá thấp nên bà không đồng ý. "400.000 đồng thì chúng tôi thu 1 năm là đủ. Việc đền bù phải tính đến giá trị đất, chi phí trồng cây cà phê và hỗ trợ giống để tái canh mới. Gia đình tôi yêu cầu đền bù 3,6 triệu đồng/cây cà phê nhưng không được chấp nhận" – bà Biên nói và cho biết gia đình bà có mảnh vườn hơn 2.000m2, thì có tới 950m2 nằm trong hành lang giải tỏa.
Còn bà Phạm Thị Liên (xã Nghĩa Hòa) thì cho rằng việc người dân bỏ ra chi phí rất lớn để trồng, chăm sóc nhưng huyện đền bù tiền không tương xứng, là ép người dân. Gia đình bà có 52 cây cà phê và 25 cây huỳnh đàn trong diện giải tỏa, trong đó đã bị cắt hạ 30 cây cà phê.