Thúc Kháng bảo tồn nghệ thuật hát trống quân

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát trống quân ở Bình Giang không chỉ có ý nghĩa gìn giữ mạch nguồn văn hóa mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá mảnh đất Bình Giang giàu truyền thống.

Tiết mục “Lão đi hội hát trống quân” của xã Thúc Kháng tham dự chương trình Lưu giữ hồn quê

Tiết mục “Lão đi hội hát trống quân” của xã Thúc Kháng tham dự chương trình Lưu giữ hồn quê

Nhưng nếu chỉ có tâm huyết của những người yêu thích nghệ thuật này thôi thì chưa đủ, việc bảo tồn cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Thăng trầm một thuở

"Trống quân đã hát là vui/ Người hát thì ít người xui thì nhiều". Đó là câu nói mà người dân xã Thúc Kháng (Bình Giang) vẫn truyền tai nhau khi họ nhắc về hát trống quân, một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của địa phương.

Ông Phạm Văn Xim, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát trống quân thôn Ngọc Cục năm nay 65 tuổi vẫn không thể nào quên ký ức về những mùa hát hội trống quân. Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi ông Xim còn là một cậu bé lẽo đẽo theo mẹ ra bờ sông xem hát. Cứ mỗi dịp rằm tháng tám, quê ông lại mở hội hát trống quân. Chập tối, nghe tiếng trống thình thình, già trẻ trai gái trong làng lại kéo nhau ra bờ sông xem hát. Ai cũng say sưa với hội hát, dõi theo những màn đối đáp khéo léo, thông minh. Đêm càng khuya, trăng càng tỏ thì hội hát càng hay. Bởi càng về sau, độ khó của những câu hát tăng lên. Trai gái các làng hát giao lưu trong không khí vui vẻ. Có người đi xem hát còn tranh thủ mang thừng đi chắp, mang nan đi vót, vừa nghe hát, vừa lao động.

Sự hấp dẫn của nghệ thuật hát trống quân là hát đố, vừa hát vừa sáng tác, thể hiện sự thông minh, nhanh trí của những người tham gia và tinh thần đồng đội, đoàn kết keo sơn. Chỉ có 1 người nam, 1 người nữ hát đối nhau, nhưng cần có nhiều người xui để kịp nghĩ ra lời hát ứng đối. Người xui là người nhắc lời hát, là người giải đố, ứng đáp cho người hát. Khi bắt đầu, nam hát trước, nữ hát sau. Bên hát trước hát xong, đánh 5 khẩu trống mà bên kia không đối được là thua.

Ông Xim cho biết: "Trước những ngày diễn ra hội hát, các xóm trong làng tự tổ chức, có khi vài người cũng đào hố lập trống hát. Trống được tạo bằng cách đào một hố sâu kiểu hàm ếch, miệng nhỏ, đáy phình to. Ở dưới nhét vỏ ốc, trên miệng đặt mâm gỗ bịt kín. Hai chiếc cọc chôn 2 bên mâm, căng bằng một sợi dây. Ở giữa sợi dây là quân trống, là đoạn tre chống lên sợi dây. Xóm nào xóm đó tổ chức hát đối nhau".

Hát trống quân tại Thúc Kháng có từ thời xa xưa và phát triển mạnh vào thế kỷ 17 - 18. Trong quãng thời gian này, ở hai làng Ngọc Cục và Tào Khê đã có nhiều nghệ sĩ dân gian chuyên đi hát trống quân, giao lưu với những nơi khác. Nơi đây được ví là cái nôi của nghệ thuật hát trống quân.

Trải qua thăng trầm cùng thời gian, hát trống quân bị gián đoạn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ trước, hội hát được tổ chức lại. Xã Thúc Kháng là địa phương duy nhất của tỉnh lưu truyền và duy trì được nghệ thuật hát trống quân đến ngày nay. Nhiều người cao tuổi trong các làng Ngọc Cục, Tào Khê vẫn thuộc và hát được giọng trống quân cổ.

Nỗ lực giữ gìn

Ngày 13 và 14 tháng tám âm lịch hằng năm, làng Ngọc Cục lại tổ chức hát trống quân. Hội hát không tổ chức bên bờ sông Cửu An như trước đây mà chuyển về hát ở đình làng. Trống quân truyền thống thay bằng loại trống con thông thường. Người biết hát trống quân trong làng cũng dần ít đi.

Năm 2013, Câu lạc bộ Hát trống quân ở hai thôn Ngọc Cục, Tào Khê ra đời với tổng số gần 60 thành viên. Các thành viên trong 2 câu lạc bộ duy trì sinh hoạt đều đặn hằng tuần, hằng tháng để cùng nhau lưu giữ những bài hát cổ và sáng tác những bài hát mới để phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Nhiều bài hát mới ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới, công cuộc xây dựng nông thôn mới được thành viên Câu lạc bộ Hát trống quân thôn Tào Khê sáng tác như: “Ai ơi nhớ lại năm nào/ Nhà tranh, đường đất ra vào khó khăn/ Giáp hạt còn thiếu lương ăn/ Đồ dùng còn thiếu lấy đâu dư thừa”; “Làng Tào giờ khác năm xưa/ Cuộc sống vật chất chưa thua làng nào/ Nhà tầng, mái ngói xây cao/ Đường bê tông nhựa chạy vào xóm thôn/ Tiếng loa, ánh điện ngày đêm/ Đình chùa di tích toàn dân vui mừng”. “Con người thắm đượm nghĩa tình/ Đồng lòng chung sức xây làng quê ta/ Công ơn Đảng, Bác bao la/ Cũng như ăn quả nhớ người trồng cây”. “Suy nghĩ năm xưa, năm nay/ Cuộc sống hạnh phúc đủ đầy văn minh/ Sống cho trọn nghĩa, vẹn tình/ Đoàn kết xây dựng quê mình đẹp hơn”.

Năm 2016, nghệ thuật hát trống quân xã Thúc Kháng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của xã Thúc Kháng nói riêng và huyện Bình Giang nói chung, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản địa phương.

Giống như những thành viên khác trong Câu lạc bộ Hát trống quân của thôn, ông Bùi Văn Năm, 70 tuổi ở thôn Ngọc Cục có chung mong muốn sẽ bảo tồn và phát huy được nghệ thuật hát trống quân, xứng tầm là di sản văn hóa cấp quốc gia. “Tôi mong nghệ thuật độc đáo của quê hương được nhiều người biết đến hơn nữa. Hiện những người yêu thích, tâm huyết với nghệ thuật hát trống quân đa số đều đã cao tuổi. Bởi vậy rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong tổ chức, đầu tư kinh phí để duy trì, phát huy loại hình diễn xướng dân gian này”, ông Năm nói.

HÀ NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xem---nghe---doc/thuc-khang-bao-ton-nghe-thuat-hat-trong-quan-132456