Thức khuya hóng biến: Đang tự vắt kiệt sức mình mà không biết
Thức khuya hóng biến tưởng chừng vô hại, nhưng theo các chuyên gia tâm lý, thói quen này đang bào mòn tinh thần, thể chất của nhiều người.
Giờ đây, mỗi khi mạng xã hội dậy sóng với một scandal, có những người sẵn sàng thức trắng đêm hóng biến, bàn tán, tranh cãi, thậm chí bỏ tiền ra "mua" thông tin.
Tưởng chừng đây là thói quen vô hại, nhưng các chuyên gia tâm lý cho rằng việc "ngồi lâu" trong các cuộc tranh luận không hồi kết đang bào mòn tinh thần, thể chất của không ít người.
Cơn nghiện hóng biến, vòng xoáy khó thoát
Hoàng Anh (23 tuổi) chia sẻ, mỗi lần có drama, các nhóm chat của nhóm bạn này lại hoạt động hết công suất. Không ai bỏ qua một khoảnh khắc nào trong ngày hôm đó.
“Khi một câu chuyện ồn nào đó kết thúc, mình lại háo hức chờ đợi scandal tiếp theo như thể nếu không có gì để hóng thì cuộc sống sẽ nhàm chán, thậm chí thức khuya hóng biến cho tới sáng hôm sau thì mình vẫn đợi”, Hoàng Anh nói.
Tương tự, Lan Hương (25 tuổi) cũng cho biết, mỗi khi có drama trên mạng xã hội, cô sẽ thức đêm xem mọi thứ diễn ra như thế nào.
“Đôi khi nghĩ lại, thấy mình như đang nghiện hóng biến thật. Hóng chuyện này chuyện nọ kịch tính còn hơn cả xem phim", Lan Hương bày tỏ.
Mạng xã hội thời gian qua liên tục dậy sóng với hàng loạt lùm xùm như vụ kẹo rau củ Kera, drama giữa diễn viên Kim Soo Hyun và cố diễn viên Kim Sae Ron tại Hàn Quốc. Tiếp đến là ồn ào sao kê từ thiện giữa Phạm Thoại và Mẹ Bắp, rồi mới đây là chuyện của streamer ViruSs và TikToker Ngọc Kem...
Đặc biệt, trong livestream đối chất giữa ViruSs với rapper Pháo đã thu hút đến 4,8 triệu lượt xem, đỉnh điểm lên đến 1,5 triệu người xem cùng lúc.

Thức khuya hóng biến ngày càng phổ biến ở giới trẻ. Ảnh: DI LINH
Điều đáng lo ngại là những nội dung kiểu này đang dần trở thành một xu hướng phổ biến, khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, coi việc hóng drama là một thói quen bình thường. Một số người thậm chí còn mong chờ scandal mới như một dạng "giải trí" mà không nhận ra rằng họ đang bị cuốn vào một vòng xoáy tiêu cực.
Theo TS Ngô Xuân Điệp – Nguyên Trưởng Khoa Tâm lý học, trường ĐH KHXH&NV, việc tham gia vào những câu chuyện đời tư của người khác là một sự đánh đổi lớn về sức khỏe, chất lượng sống và tinh thần. Trong khi những người chia sẻ câu chuyện đó kiếm tiền từ lượt like và view.. còn chúng ta lại mất năng lượng và thời gian cho những chuyện không liên quan đến mình.
"Chuyện của người khác nhưng lại để nó ảnh hưởng đến tâm trạng của chính mình, dần dần dẫn tới bị lệ thuộc về mặt cảm xúc.
Khi tâm lý bị bào mòn, con người dễ dàng tìm đến những điều bên ngoài để xoa dịu cảm xúc, dẫn đến việc bị cuốn vào drama và mong ngóng drama bất kể thời gian, chỉ để quên đi sự trống rỗng bên trong", TS Điệp nêu.
Mạng xã hội ảo, tác hại thật
Những buổi livestream drama thường diễn ra vào khung giờ muộn, kéo dài đến tận khuya hoặc rạng sáng hôm sau.
Theo Ths Phan Thị Hoài Yến, khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức, điều này khiến nhiều người trẻ thức trắng đêm để theo dõi, dẫn đến rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ và mất tập trung vào ngày hôm sau.
"Con người cần ngủ đủ từ 6-7 tiếng mỗi đêm. Đặc biệt, đối với người trưởng thành, việc đi ngủ trước 10-11 giờ tối là rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu thức khuya đến 1-2 giờ đêm hoặc thậm chí suốt đêm, cơ thể sẽ không được nghỉ ngơi đầy đủ, dẫn đến kiệt sức, mất ngủ và gia tăng nguy cơ căng thẳng, lo âu, thậm chí trầm cảm", bà Yến nói.

Liên tục những vụ drama diễn ra đêm khuya, giới trẻ phải thức khuya hóng biến Ảnh: DI LINH
Theo bà Yến, mạng xã hội tuy chỉ là ảo nhưng lại có tác động trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe tinh thần của chúng ta. Không chỉ dừng lại ở những ảnh hưởng cá nhân, cơn sốt hóng drama còn tác động đến tâm lý cộng đồng.
Khi quá nhiều người bị cuốn vào những câu chuyện thị phi, mạng xã hội trở thành một nơi đầy tranh cãi, nơi mà ai cũng muốn lên tiếng, phán xét, chỉ trích mà không cần biết đúng sai.
Trong mỗi drama luôn tồn tại hai phe đối lập, khiến chúng ta khó phân biệt đâu là đúng, đâu là sai. Nếu câu chuyện đó theo ý mình thì được coi là đúng, còn không thì có thể bị coi là sai. Điều này không chỉ gây rối loạn trong suy nghĩ mà còn làm xáo trộn trật tự xã hội, khiến người ta chỉ tập trung vào những thông tin xung quanh drama mà bỏ qua những vấn đề quan trọng khác. (Bà Phan Thị Hoài Yến)
Ngoài ra, việc liên tục tiếp nhận các thông tin tiêu cực trước khi ngủ có thể khiến giảm chất lượng giấc ngủ, ngủ không sâu, bên cạnh đó làm tăng hormone cortisol, dẫn đến căng thẳng kéo dài.
Bên cạnh đó, việc thức khuya theo dõi drama không chỉ phá vỡ nhịp sinh học mà còn gây mất ngủ, suy nhược thần kinh. Việc để mắt tiếp xúc vào màn hình làm tăng nguy cơ cận thị, trong khi lối sống thụ động khiến cơ thể tích tụ mỡ thừa, dẫn đến béo phì.
Chưa hết, hệ miễn dịch suy yếu do căng thẳng và thiếu ngủ, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh về chuyển hóa, tim mạch và suy giảm sức đề kháng trước bệnh tật.
"Khi một scandal xuất hiện, hãy tự hỏi liệu nó có ảnh hưởng đến mình không, nếu không hãy bỏ qua. Đừng để những thứ độc hại đó chiếm quá nhiều thời gian của bạn và càng không nên đánh đổi giấc ngủ, sức khỏe chỉ để chạy theo những điều vô nghĩa", bà Yến khuyên.
Tỉnh táo tự cứu lấy mình
Theo ThS-BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM, đã đến lúc mỗi người cần tự nhìn lại và đặt ra giới hạn, trước khi sức khỏe sa sút và bản thân trở thành nạn nhân của việc tiêu thụ thông tin độc hại.
Về mặt sinh học, cơ thể hoạt động theo nhịp sinh học tự nhiên – ban ngày làm việc, ban đêm nghỉ ngơi. Tuân thủ nhịp sinh học giúp cơ thể điều chỉnh nội môi, như huyết áp, đường huyết, nhịp tim và quá trình tiêu hóa, diễn ra một cách thuận lợi.
Việc thức khuya kéo dài, đặc biệt vì những lý do không cần thiết như hóng drama, có thể phá vỡ nhịp sinh học, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến tùng – nơi tiết ra melatonin và cortisone, hai hormone quan trọng cho chuyển hóa và điều hòa cơ thể. Vì vậy, việc ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, đặc biệt trước 23 giờ, là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.
Theo ông Hùng, chúng ta cần tỉnh táo trong chọn lọc thông tin và chỉ tập trung vào những vấn đề thực sự có ý nghĩa, như các vấn đề xã hội, kinh tế hoặc những điều giúp bản thân và cộng đồng phát triển. Những câu chuyện tiêu cực chỉ khiến ta kiệt sức, tiêu tốn thời gian và có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống.
"Hãy nghiêm túc tự hỏi bản thân, liệu bạn có đang dành quá nhiều thời gian vào những điều không mang lại giá trị thực sự? Nếu có, đã đến lúc thay đổi. Mặc dù không dễ dàng, nhưng nếu mỗi người tập trung vào sự phát triển cá nhân và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội, chúng ta sẽ tạo ra một môi trường tích cực hơn cho chính mình và cộng đồng", ông Hùng nói.
Drama thường "cuốn" hơn các nội dung tích cực
Có ba yếu tố chính giải thích sự thu hút mạnh mẽ của drama hiện nay. Thứ nhất là hiệu ứng FOMO, khi mọi người tham gia chỉ để không bị lạc hậu. Thứ hai, tâm lý tò mò về đời tư người nổi tiếng, khiến công chúng muốn cảm thấy gần gũi với họ. Thứ ba, bản chất của drama là kích thích cảm xúc mạnh mẽ, gây tranh cãi và sốc, thu hút sự chú ý mạnh mẽ hơn các nội dung trung tính hay giáo dục.
Não bộ con người dễ bị thu hút bởi thông tin tiêu cực, hiện tượng này gọi là "negativity bias". Điều này phản ánh một thực tế trong tâm lý xã hội hiện nay, con người tìm kiếm sự giải trí từ những câu chuyện “thật – nóng – sốc”, ngay cả khi chúng liên quan đến đời tư của người khác.
Bởi vậy, drama luôn tạo cảm xúc mạnh mẽ ngay lập tức, trong khi các nội dung giáo dục cần thời gian để thẩm thấu. Hiệu ứng “câu chuyện có diễn biến” với cốt truyện và cao trào khiến drama hấp dẫn như một bộ phim thực tế. Ngoài ra, drama đơn giản và không đòi hỏi nhiều tư duy, mang lại sự giải trí tức thì so với việc tiếp thu kiến thức mới.
TS Tâm lý ĐÀO LÊ HÒA AN, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi - Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam