Thục Luyện đẩy mạnh phát triển kinh tế

PTĐT - Vài năm trở lại đây, diện mạo xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn có nhiều thay đổi. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây mới và nâng cấp, đời sống của nhân dân được nâng cao. Có được kết quả đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.

Công ty TNHH thương mại sản xuất Hà Thái chuyên sản xuất ván bóc, ván ép phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh của địa phương, Thục Luyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng. Việc trồng rừng mới cũng được chú trọng, hàng năm, xã trồng mới được trên 100ha rừng. Đến nay, toàn xã có trên 1.700ha rừng sản xuất. Để khai thác các tiềm năng từ rừng, trong xã đã xuất hiện các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ, sử dụng thiết bị máy móc hiện đại và có thị trường ổn định. Toàn xã có 17 công ty, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.Vốn là vùng đất trồng chè từ nhiều năm nay, người dân nơi đây đã tích lũy được kinh nghiệm trồng, sản xuất và chế biến chè. Hiện cả xã có gần 300ha chè sản xuất. Sự ra đời và phát triển của làng nghề sản xuất, chế biến chè Ngọc Đồng, làng nghề Đồng Lão và HTX sản xuất chè Suối Reo là động lực để người dân gìn giữ, phát triển nghề. Các hộ trong làng nghề, HTX đã thay thế các giống chè cằn cỗi bằng những giống chè mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều thiết bị máy móc hiện đại như máy quay, máy vò bằng inox, máy sao chè sử dụng nhiệt độ tự động cũng dần xuất hiện, thay thế cách chế biến chè thủ công. Anh Đinh Quốc Duy - Giám đốc HTX chè Suối Reo cho biết: “HTX có 11 thành viên, một số hộ đã chế biến thành công chè xanh, bán với giá từ 150.000 đồng - 300.000 đồng, cao hơn gấp 3 - 4 lần so với chè đen. Sự đổi mới về cách làm cùng với việc thành lập HTX đã tạo nên sợi dây liên kết vững chắc, đảm bảo đầu ra sản phẩm”. Song song với phát triển kinh tế đồi rừng, xã tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, theo hình thức gia trại, trang trại. Toàn xã có tổng đàn gia súc 2.900 con và trên 51.000 con gia cầm các loại… Với số lượng gia súc, gia cầm lớn, xã khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng chống rét. Bên cạnh đó, xã chú trọng chăm sóc tốt diện tích cây lúa và các loại hoa màu, đảm bảo an ninh lương thực. Hàng năm xã xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất theo từng mùa vụ, đảm bảo đúng khung lịch, diện tích gieo trồng; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động đưa các giống lúa, ngô lai chất lượng cao vào sản xuất, chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã trên 1.500 tấn, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ông Đỗ Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với mục tiêu phát triển tất cả các lĩnh vực theo hướng đa ngành nghề, thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục hành chính… để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, phát triển sản xuất trên địa bàn; tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận vốn vay ưu đãi mở rộng quy mô, phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển làng nghề và HTX sản xuất, chế biến chè để xây dựng chuỗi liên kết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mùa vụ, lựa chọn các cây con giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và phát triển tổng hợp theo hình thức trang trại, gia trại…”.Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền và sự năng động, sáng tạo của người dân, năm 2020 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 4%...

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202012/thuc-luyen-day-manh-phat-trien-kinh-te-174435