Thực phẩm an toàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán
Để phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, các HTX, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn hàng hóa, đa dạng về chủng loại và chất lượng, áp dụng các biện pháp chăm sóc, bảo quản..., sẵn sàng cung ứng số lượng lớn thực phẩm an toàn (TPAT).
Nông sản bày bán tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa.
Trong những ngày này, không khí lao động, sản xuất trên những cánh đồng rau an toàn ở xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Bởi đây là thời điểm người dân tập trung chuẩn bị nguồn rau an toàn kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2020. Với diện tích sản xuất 87 ha, trong đó có 27 ha rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, những ngày cuối năm, HTX dịch vụ nông nghiệp điện năng Hoằng Hợp cung ứng số lượng rau an toàn gấp khoảng 3 lần so với ngày thường cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh, như: Co.opmart, Big C,... Ông Nguyễn Văn Vinh, giám đốc HTX, cho biết: Để phục vụ nhu cầu mua rau an toàn tăng cao của người dân trong dịp tết, các loại rau, như: Su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua,... đã được người dân chủ động gieo trồng từ 1 tháng nay. Ngoài ra, HTX cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trồng các loại rau ngắn ngày, như: Rau cải, rau gia vị... Bên cạnh đó, HTX đã tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trồng rau theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất và chất lượng. Cũng theo ông Vinh, năm nay, thời tiết thuận lợi nên rau an toàn cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán khá đa dạng, năng suất cao. Dự kiến càng gần tết, giá rau sẽ càng tăng. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ TPAT của người tiêu dùng, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các trang trại chăn nuôi cũng chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm nay, để chuẩn bị cung ứng số lượng lớn sản phẩm cho các cửa hàng TPAT trên địa bàn tỉnh, trang trại chăn nuôi gà của ông Lê Xuân Thịnh, thôn 4, xã Thọ Sơn (Triệu Sơn) đã tăng số lượng lên khoảng 15.000 con với 2 giống chính là gà lai chọi và gà ri. Trước khi xuất bán 1 tháng, đàn gà đã được ông chăm sóc bằng nguồn thức ăn dinh dưỡng, tiêm phòng các loại vắc-xin cũng như vệ sinh, tiêu độc, khử trùng xung quanh môi trường chăn nuôi.
Ngoài sự chủ động của người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, các siêu thị, cửa hàng TPAT từ nhiều tháng trước cũng đã lên kế hoạch tăng cường các chương trình hợp tác với các nhà sản xuất, nhà cung cấp để dự trữ nguồn hàng TPAT phong phú, chất lượng. Tại siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, anh Lê Văn Liêm, giám đốc siêu thị, cho biết: Trong tháng mua sắm cao điểm, số lượng thực phẩm tươi sống, như: Thịt gà, thịt vịt, cá,... ước tính nhập trung bình 3 tấn/ngày, gấp 4 lần ngày thường; các loại rau, củ, trái cây trung bình 5 tấn/ngày. Riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm thiếu nguồn cung, đẩy giá tăng cao trong thời gian qua nên người dân còn e dè trong việc mua dự trữ cho ngày tết. Các sản phẩm trước khi đưa vào bày bán đều được đóng gói, kèm theo thông tin và mã truy xuất nguồn gốc để dễ dàng kiểm soát; được nhập từ các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng TPAT trong và ngoài tỉnh, như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tú Phượng, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Đức Tần, Công ty CP Mía đường Lam Sơn,... Để bảo đảm an toàn thực phẩm, công tác giám sát, kiểm nghiệm được siêu thị chú trọng thực hiện ngay tại kho thông qua đội ngũ quản lý chất lượng, như: Kiểm soát chất lượng bằng các kỹ thuật kiểm tra nhanh về ngoại quan, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các yếu tố vi sinh khác theo chuẩn VietGAP. Cũng tại kho chứa hàng, mẫu thực phẩm được gửi các trung tâm kiểm định phân tích để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặc dù nguồn cung TPAT dồi dào, song, đây cũng là thời điểm thuận lợi để những gian thương tuồn sản phẩm không bảo đảm chất lượng ra thị trường. Do đó, đòi hỏi các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng, mặt hàng tươi sống không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất, sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, củ, quả; chất bảo quản trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển,... nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh cần thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nguồn thực phẩm, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng TPAT, tạo cơ hội cho thực phẩm sạch phát triển theo hướng tích cực.