Thực phẩm bẩn, không nhãn mác vẫn... 'hoành hành' trên thị trường
Thời gian qua, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện tràn ngập trên thị trường, nhất là ở các khu chợ dân sinh. Mặc dù, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý rất nhiều trường hợp, tuy nhiên để kiểm soát và ngăn chặn được vấn đề này cần có sự quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan, đơn vị phối hợp và hơn hết là từ chính người tiêu dùng.
Ngày 3/5/2024, Đội quản lý thị trường số 11, Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 7 PC 03 Công an TP Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm tại số 6 ngách 4 đường phía Nam, thôn Kỳ Thủy, Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội.
Trôi nổi thực phẩm không rõ nguồn gốc
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1.520 kg thực phẩm là nầm lợn, lườn vịt, đùi vịt các loại. Làm việc với đoàn kiểm tra chủ cơ sở đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số thực phẩm trên. Ngoài ra, cơ sở này cũng chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
Đội quản lý thị trường số 11 đã tạm giữ toàn bộ số thực phẩm trên để xử lý theo quy định của pháp luật.Cơ quan chức năng đã vào cuộc và bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm.
Hay như mới đây, tại tỉnh Thái Nguyên, Đoàn kiểm tra cục QLTT đã bắt phạt và thu giữ 110kg chân gà nhập lậu đang được bày bán tại một hộ kinh doanh. Toàn bộ số chân gà này đều không có hóa đơn chứng từ, không có địa chỉ sản xuất cũng như các thông số liên quan được cấp phép lưu thông và giao thương trên thị trường.
Còn tại các khu vực chợ dân sinh, khu vực bán đồ đông lạnh, không khó để có thể thấy được những sản phẩm không tem nhãn được bày bán công khai, với nhiều mức giá khác nhau.
Có mặt tại một số cửa hàng bán đồ đông lạnh tại chợ Tân Xuân (Hà Nội), phóng viên nhận thấy hàng loạt sản phẩm không nhãn mác được bày bán tràn lan với giá thành khác nhau. Đơn cử, một túi xúc xích tại khu vực này được bán với giá 35.000/gói 500gram, thấp hơn nhiều so với giá bán tại siêu thị (67.000/gói/500gram).Tương tự đối với các mặt hàng khác như cá viên chiên, pho mai viên…..cũng có giá chênh lệch rất nhiều so với tại các hệ thống siêu thị.
Trao đổi với VnBusiness, chị V.T.T.H (Hà Nội) - một người dân thường xuyên mua hàng tại khu vực chợ này cho biết, so với giá thành tại các hệ thống siêu thị thì giá thực phẩm tại các cửa hàng, khu chợ dân sinh thường rẻ hơn, chủ quầy lại là người quen nên tôi cũng tin tưởng mặc dù các sản phẩm không thấy có đầy đủ thông tin, nhãn mác.
Anh C.Q.D (Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi thường xuyên sử dụng thực phẩm tại các siêu thị lớn hoặc các cửa hàng tiện lợi có tên tuổi vì ở đây các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, tuy giá thành cao hơn thị trường nhưng chúng tôi có thể an tâm về chất lượng, đảm bảo sức khỏe".
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng do sử dụng các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, điển hình trong số đó có thể kể đến vụ việc 500 người ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại Đồng Nai, 15 học sinh tiểu học điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Thành phố Thủ Đức) nhiễm độc thực phẩm do ăn đồ trước cổng trường,…
Rõ ràng, người tiêu dùng đang phải đối mặt với một lượng lớn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn chặn các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ‘tuồn’ ra thị trường đã được đẩy mạnh, tuy nhiên, lượng hàng hóa không tem mác vẫn xuất hiện tràn lan; số vụ ngộ độc, số người ngộ độc vẫn tăng cao.
Trong bối cảnh đó, mới đây nhằm triển khai Kế hoạch số 364/KH-BCĐTƯATTP của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, Tổng Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn cả nước tổ chức giám sát, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các điểm trung chuyển hàng hóa, kho hàng, các giao dịch thương mại điện tử chào bán, quảng cáo thực phẩm để kịp thời phát hiện, kiểm tra việc chấp hành các quy định, minh bạch trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu thành phần,…
Các địa phương được giao chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm, có biện pháp hiệu quả, phù hợp để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, bán lẻ, các quầy hàng trong khu chợ dân sinh, thức ăn đường phố,… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chịu trách nhiệm đối với việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho người tiêu dùng, cũng như thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự gia tăng của thực phẩm giả mạo trên thị trường.
Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia khuyến cáo, “hãy là người tiêu dùng thông minh” trong việc đọc kỹ nhãn sản phẩm để kiểm tra thông tin về nguồn gốc, thành phần và hạn sử dụng để chọn lựa những sản phẩm phù hợp, an toàn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyên, với những loại có bao bì đóng gói thì phải có nhãn mác, hạn sử dụng. Nếu sản phẩm không có thông tin này thì không nên mua vì khi xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm. Người Việt hay có thói quen mua thực phẩm đóng gói để biếu tặng, để dành chờ dịp đông đủ mới lấy ra ăn mà không để ý hạn sử dụng cũng như điều kiện bảo quản. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
"Người tiêu dùng nên tìm hiểu, mua thực phẩm từ nguồn đáng tin cậy như các cửa hàng, siêu thị được kiểm định và cấp phép hoạt động để tránh mua phải sản phẩm giả mạo hoặc không đảm bảo chất lượng", PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ, người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ để kiểm tra thông tin sản phẩm trước khi mua. Hơn nữa, chú ý đến giá cả và quảng cáo để phòng tránh mua những sản phẩm không đáng tin cậy.
“Mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức, tích cực trong công tác tuyên truyền để am hiểu hơn về vấn đề thực phẩm bẩn và tác hại có thể xảy ra. Chỉ sử dụng những sản phẩm có đầy đủ tem nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm định thực phẩm sạch và tìm mua ở những nơi uy tín, có thương hiệu trên thị trường”, một chuyên gia nêu quan điểm.