Thực phẩm bẩn và 'cuộc chiến' không khoan nhượng
Lâu nay, câu chuyện thực phẩm bẩn luôn thu hút sự quan tâm của xã hội bởi những hậu quả khôn lường mà nó đem lại đối với cuộc sống và sức khỏe con người. Tác hại là vậy nhưng dường như câu chuyện này chưa có hồi kết bởi lẽ vì mục tiêu lợi nhuận, bất chấp pháp luật và dư luận, những kẻ kinh doanh, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, chế biến... thực phẩm bẩn vẫn dùng mọi thủ đoạn tinh vi hòng qua mặt cơ quan chức năng để kiếm lời, nhất là trong thời điểm cuối năm, cận Tết, khi mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Vì thế, vai trò của các cấp chính quyền, nhà quản lý, lực lượng chức năng và ý thức cộng đồng trách nhiệm của chính người dân phải tiếp tục được đề cao, tạo ra 'vòng kim cô', 'lệnh bài' ngăn chặn, tiến tới bài trừ thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống xã hội, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Muôn nẻo đường... vi phạm
Từ thực tiễn đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước và dư luận, thông tin trên báo chí có thể thấy, việc kinh doanh, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, chế biến thực phẩm bẩn ở những thời điểm khác nhau vẫn có những biểu hiện phức tạp, xuất hiện dưới nhiều dạng thức, “chiêu trò” khác nhau. Điều dễ nhận thấy là, thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc có thể có mặt ở nhiều địa bàn, cả thành thị lẫn nông thôn, chủ yếu là đồ ăn, thức uống - những thứ trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến “cuộc chiến” ngăn ngừa vẫn còn không ít cam go, đòi hỏi không một phút giây được lơ là, lơi lỏng.
Còn nhớ, cách đây không lâu, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương cho biết, lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, ngăn chặn gần ba tấn thịt lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) được bà Nguyễn Thị Q.- một tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Quang (Thái Nguyên) bày bán và tích trữ tại kho chứa hàng.
Đáng chú ý là, các sản phẩm bày bán không có dấu kiểm dịch đủ điều kiện đảm bảo ATTP, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số hàng đang kinh doanh tại quầy, các sản phẩm thịt heo và một số sản phẩm khác đã để đông lạnh nhiều ngày, có dấu hiệu ôi thiu, màu sắc biến đổi.
Qua nhận định bước đầu của cơ quan phụ trách thú y, có thể nhiều con lợn đã chết trước khi được giết mổ. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị lực lượng chức năng tiêu hủy và với hành vi vi phạm này, mức phạt mà bà Q. phải nộp khoảng hơn 100 triệu đồng.
Trong một diễn biến khác, vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Nghệ An) và Trạm CSGT Diễn Châu (Phòng CSGT, Công an tỉnh) phát hiện, thu giữ hơn 10 tấn gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường vận chuyển từ các tỉnh phía Nam ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, thu giữ khoảng ba tấn móng giò lợn đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối nhưng vẫn được vận chuyển đi tiêu thụ. Toàn bộ lô hàng đông lạnh này không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, bên trong các bao tải màu đen dính đầy tạp chất là móng giò lợn đã bị hỏng mốc, chuyển màu, hôi thối.
Từ đây, một con số đáng quan tâm, chỉ trong vòng gần hai tháng, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, phát hiện, thu giữ gần 20 tấn thực phẩm đông lạnh bẩn, quá hạn sử dụng được các gian thương chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Cơ quan chức năng đã hoàn tất các thủ tục để tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm bẩn nói trên.
Tuy không phải là “điểm nóng” về địa bàn xuất hiện thực phẩm bẩn nhưng tình trạng này ở Phú Thọ cũng không phải là không có những diễn biến phức tạp. Đơn cử, ngày 09/10/2023, tại Km 4+500 Quốc lộ 70 thuộc xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, Đội QLTT số 8, Cục QLTT tỉnh phối hợp Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô tải do ông N.Q.H trú tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên điều khiển phát hiện trong thùng xe có 12 thùng bìa catton đựng móng giò lợn đông lạnh, trọng lượng 134kg rò rỉ nước, bốc mùi hôi thối, biến dạng về màu sắc đang được vận chuyển đưa đi tiêu thụ.
Tiếp đó, ngày 10/10/2023, tại Km 74+500 Quốc lộ 32 thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Đội QLTT số 8 phối hợp Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô do ông N.V.P ở phường Gia Cẩm, TP Việt Trì là lái xe kiêm chủ hàng, phát hiện trong thùng xe chở ba thùng xốp chứa nội tạng động vật bò, trâu, lợn có trọng lượng 150kg bốc mùi hôi thối, biến dạng về màu sắc. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật...
Hậu quả khôn lường và “cuộc chiến” không khoan nhượng
Viện dẫn những vụ việc nói trên mà báo chí đã nêu để thấy thực trạng về thực phẩm bẩn vẫn còn rất nhiều chuyện đáng bàn. Thực tế cho thấy, thực phẩm bẩn không chỉ len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội mà còn gây ra nhiều hệ lụy, hậu quả khôn lường. Các chuyên gia y tế cho rằng, thực phẩm bẩn là tác nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tình trạng bệnh tật, thậm chí dịch bệnh, có thể đe dọa hoặc cướp đi sinh mạng của người tiêu dùng.
Vụ việc gần 150 người nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam hay 15 người ở Điện Biên nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng ở một cơ sở dịch vụ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe, phải vào viện điều trị hoặc đau lòng hơn là trường hợp một bé gái sáu tuổi nghi bị ngộ độc thực phẩm tại đêm hội Trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh tổ chức dẫn đến tử vong cùng hàng chục cháu bé khác, trong đó có hai trẻ nước ngoài bị ngộ độc có thể coi là những minh chứng cụ thể, đưa ra lời cảnh báo cho điều đó.
Vì vậy, đấu tranh không khoan nhượng, lan tỏa rộng rãi thông điệp nói “không” với thực phẩm bẩn trong cộng đồng nhằm ngăn chặn, tiến tới loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống xã hội luôn là việc làm hết sức cần thiết và cần kíp, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không hẹn điểm dừng với sự chung tay của toàn xã hội.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các tỉnh, TP; Cục ATTP (Bộ Y tế), Tổng cục QLTT (Bộ Công thương), Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng; cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân với nhiều giải pháp rốt ráo, căn cơ, đồng bộ. Xác định nguyên nhân sâu xa, cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đảm bảo ATVSTP phải luôn đi trước một bước bằng nhiều nội dung, cách thức phù hợp, hiệu quả, tạo chuyển biến thực chất về nhận thức và hành động của toàn xã hội.
Song hành với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATVSTP; đẩy mạnh đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát, nắm chắc địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm (thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 22 trường hợp vi phạm ATVSTP, xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy 335kg sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và ATTP).
Phát huy vai trò chủ công của các lực lượng chức năng như QLTT, Công an, Y tế... kết hợp với sự tham gia phát hiện, tố giác của quần chúng nhân dân, tạo ra dư luận xã hội lên án mạnh mẽ đối với các hành vi liên quan, tiếp tay cho thực phẩm bẩn, tích hợp trong một cơ chế vận hành đồng bộ, chặt chẽ. Tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở, điểm, quầy kinh doanh, buôn bán hoặc tàng trữ, vận chuyển thực phẩm động vật đi đôi với trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng thực phẩm an toàn, trở thành “người tiêu dùng thông thái” đối với mỗi người dân, gia đình; biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt công tác đảm bảo ATVSTP, vì sức khỏe cộng đồng.