Thực phẩm bẩn vẫn 'nóng' tại khu vực trường học
Thời gian gần đây, các mặt hàng như xúc xích, chân, cánh gà, bỏng ngô, nem chua rán… được bày bán phổ biến tại các cửa hàng bán đồ ăn vặt, gánh hàng rong xung quanh các trường học và khu vực lân cận trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát hiện số lượng lớn xúc xích và cánh gà không rõ nguồn gốc
Ngày 8/5/2024, CA TP Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho chứa hàng thực phẩm tại số 115, đường Đồng Tiến, thôn Quyết Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức.
Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khoảng gần 4 tấn xúc xích và cánh gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ số hàng trên, đồng thời khai nhận thu mua số hàng hóa này trôi nổi trên thị trường về bán cho các các đại lý, cửa hàng tạp hóa, người bán rong trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Theo cơ quan chức năng, đây đều là những sản phẩm đang bán chạy trên thị trường, được trẻ em yêu thích và thường được bày bán tại cổng các trường học. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm là khó lường.
Trước đó, ngày 10/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện và tiến hành khám hàng hóa có dấu hiệu là thực phẩm nhập lậu được tập kết tại khu vực số 01 Km12 đường Ngọc Hồi, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 10 thùng carton nhãn chữ nước ngoài, bên trong mỗi thùng là 20 gói xúc xích, loại 10 cái/gói (2.000 cái xúc xích).
Toàn bộ 2.000 cái xúc xích nêu trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp nên đã bị lực lượng chức năng tạm giữ toàn bộ để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồ ăn giá rẻ hút khách nhí
Theo quan sát của phóng viên tại một cổng trường cấp 1 trên địa bàn huyện Gia Lâm, mặc dù chưa đến giờ tan học nhưng những chiếc bếp ga đỏ lửa hết công suất để chuẩn bị phục vụ những “thượng khách nhỏ tuổi”. Thực đơn đa dạng với các mức giá từ 5.000 - 15.000 đồng, bao gồm bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, mì spaghetti, mì trộn tương đen hay soda đá bào đủ màu, đủ vị,… Những món ăn này sẽ được “mix” kèm với xúc xích hoặc thịt gà.
Chưa kể, những gói snack đồng giá luôn được học sinh mua tới tấp. Với mức giá khá mềm, chỉ từ 2.000 đồng cho 1 xiên que đủ sắc màu hay những gói snack giá rẻ vẫn là món ăn vặt “hút hồn” các khách nhí nơi cổng trường.
Bà H - một người bán hàng nói: “Lãi ít thôi cho học sinh còn dễ mua. Nhập 1.800 đồng/gói, bà bán giá 2.000 đồng. Còn thạch dừa để lạnh có giá 1.000 đồng/gói”. Như vậy, theo lời người bán hàng, một sản phẩm chưa đến 2.000 đồng giá nhập, thậm chí như mặt hàng thạch dừa, giá nhập cũng chưa đến 1.000 đồng, bao gồm chi phí sản xuất, nhân công, bao bì, đóng gói, vận chuyển.
Hơn nữa, nhiều trường học để khẩu hiệu tuyên truyền “Nói không với rác thải nhựa”, nhưng thực tế, hộp xốp, cốc nhựa, thức ăn thừa tràn lan tại các điểm bán đồ ăn, vừa gây mất mỹ quan, lại gây ô nhiễm môi trường, kéo theo là tắc đường, mất an toàn giao thông trước cổng trường.
Nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Thu Hà – Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Trường Đại học Y tế công cộng), thực phẩm bẩn bán trước cổng trường học thường là các thực phẩm chế biến sẵn, rẻ tiền, không đảm bảo các điều kiện liên quan tới chế biến, bảo quản thực phẩm. Ẩn chứa các mối nguy an toàn thực phẩm như vi khuẩn, virus, và vi sinh vật gây bệnh như E. Coli, Salmonella, hay Staphylococcus aureus….
Khi học sinh tiêu thụ thực phẩm bẩn, trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng thậm chí có thể tử vong. Bên cạnh đó, những thực phẩm này chế biến sẵn chứa nhiều calo và ít chất xơ, có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt là ở học sinh đang trong giai đoạn phát triển.
Để hạn chế được những nguy cơ không mong muốn về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ, nhất là khi thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển - chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Thu Hà đưa ra khuyến cáo.
Đối với cộng đồng, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm từ các cửa hàng hoặc người bán có uy tín, đã được kiểm tra về an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hãy kiểm tra vệ sinh của nơi bán thực phẩm trước khi mua. Đảm bảo rằng nơi bán có các biện pháp vệ sinh đúng quy định như: có tủ bày bán thực phẩm cao cách mặt đất ít nhất 60cm, có 3 mặt kính và 1 mặt lưới; chỗ bày bán không gần cống, rãnh, có nhiều ruồi, muỗi, gián…
Trước khi ăn các thực phẩm, hãy kiểm tra kỹ thực phẩm để đảm bảo rằng chúng không bị ô nhiễm hoặc hư, hỏng (ôi, thiu). Tránh tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm không được bảo quản đúng cách. Cần rửa tay sạch trước khi tiêu thụ thực phẩm.
Cha mẹ và nhà trường cần giáo dục học sinh về các nguy cơ sức khỏe khi tiêu thụ thực phẩm không an toàn, tầm quan trọng của việc ăn thực phẩm sạch và an toàn. Khuyến khích trẻ khi phát hiện bất kỳ vấn đề nào liên quan đến an toàn thực phẩm trước cổng trường học, hãy thông báo cho nhà trường, cha mẹ hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Người bán hàng cần phải được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kì 1 năm/lần.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ các quy tắc vệ sinh cá nhân, như rửa tay thường xuyên, sử dụng găng tay khi chuẩn bị thức ăn, đeo khẩu trang và không ho hoặc hắt hơi gần thức ăn.
Cần có đủ dụng cụ chế biến, đảm bảo có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống/chín.
Thực phẩm bẩn thường không đảm bảo vệ sinh, có thể chứa vi khuẩn hoặc chất độc hại. Không mua thực phẩm từ những nguồn không rõ ràng hoặc không đảm bảo vệ sinh.
Thực phẩm, đặc biệt là thịt, nên được nấu chín kỹ để tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn nào có thể gây bệnh.
Bảo quản thực phẩm đúng cách: thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, côn trùng được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất ít nhất 60cm. Thực phẩm nên được bảo quản đúng cách để tránh sự phát triển của vi khuẩn. Thực phẩm nên được giữ ở nhiệt độ an toàn (dưới 5 độ hoặc trên 60 độ) và thực phẩm sau khi chế biến không được để quá 2 giờ ở nhiệt độ phòng.