Thực phẩm biến đổi gen: Cách tốt nhất để sản xuất lương thực bền vững?
Kingtedothi - Thực phẩm biến đổi gen (Genetically modified - GM) vẫn còn gây tranh cãi, nhất là ở châu Âu. Nhưng với một số chuyên gia, đó là phương pháp khoa học tốt nhất cho một hệ thống lương thực toàn cầu bền vững trong bối cảnh mất đa dạng sinh học và dân số thế giới gia tăng.
Làm thế nào để chúng ta nuôi sống 10 tỷ người?
Theo ấn phẩm khoa học trực tuyến Our World in Data, nông nghiệp chịu trách nhiệm cho 1/4 lượng khí thải carbon trong khí quyển và phần lớn tổn thất đa dạng sinh học trên thế giới.
Trong khi sự suy giảm môi trường vẫn tiếp diễn, dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng. Liên Hợp quốc dự đoán dân số thế giới sẽ đạt 10 tỷ người vào năm 2057. Điều này đặt ra câu hỏi: làm thế nào để chúng ta tăng sản lượng lương thực lên 50% trong khi giảm thiểu thảm họa mất đa dạng sinh học và khủng hoảng khí hậu?
Matin Qaim, chuyên gia về kinh tế thực phẩm và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Bonn ở Đức, cho biết: có hai cách tiếp cận khác nhau để thực hiện điều này: "Một mặt, chúng ta cần thay đổi chế độ ăn uống để tiêu dùng bền vững hơn. Điều đó có nghĩa là ít chất thải hơn, ít thịt hơn. Mặt khác, chúng ta cần công nghệ tốt hơn để tạo ra các phương pháp nông nghiệp thân thiện với môi trường hơn".
Matin Qaim cho rằng cả hai cách tiếp cận đều cần thiết. Thứ nhất, chúng ta cần thay đổi cách thức sản xuất thực phẩm, đặc biệt là giảm mức tiêu thụ protein và chất dinh dưỡng của con người từ các nguồn động vật. Nhưng như thế không đủ. Giống như nhiều chuyên gia, ông cho rằng công nghệ gen là một phần quan trọng trong chiến lược cho một hệ thống lương thực bền vững.
"Mọi người đều muốn sản xuất nhiều lương thực hơn từ diện tích đất nhỏ hơn, ít thuốc trừ sâu hóa học hơn và ít phân bón hơn. Nếu bạn có thể sử dụng công nghệ gen để phát triển các loại cây có khả năng chống chịu tốt hơn thì đó là một điều tốt", ông nói.
Sinh vật biến đổi gen (Genetically modified organisms - GMOs) là những sinh vật đã thay đổi DNA để thay đổi đặc tính của chúng. Cây trồng biến đổi gen có thể cải thiện năng suất, xây dựng khả năng kháng sâu bệnh, sương giá hoặc hạn hán hoặc bổ sung chất dinh dưỡng. Cây trồng cũng có thể được sửa đổi để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy tính bền vững của sản xuất lương thực.
Mặc dù phổ biến, sản xuất cây trồng biến đổi gen hiện chỉ sử dụng khoảng 10% diện tích đất canh tác trên thế giới so với đất được sử dụng để sản xuất cây trồng không biến đổi gen.
"GM không gì khác hơn là một kỹ thuật nhân giống, giống như việc lai giống mà chúng ta đã làm hàng nghìn năm nay. Nhưng nó tinh vi hơn, vì vậy chúng ta có thể tạo ra những thay đổi rất chính xác, rất nhanh chóng", David Spencer, nhà thực vật học và phát ngôn viên của RePlanet cho biết. RePlanet là tổ chức phi chính phủ ủng hộ các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học đối với biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Lợi ích thiết thực nhưng vẫn còn những tranh cãi
GMOs lần đầu tiên được giới thiệu ở Mỹ vào năm 1994, với những cây cà chua biến đổi gen làm chín chậm hơn để kéo dài thời hạn sử dụng. Kể từ đó, nhiều loại cây trồng, chẳng hạn như đậu nành, lúa mì và gạo đã được phê duyệt sử dụng trong nông nghiệp, cùng với vi khuẩn biến đổi gen được trồng để sản xuất một lượng lớn protein.
Các nhà khoa học ở Ấn Độ cũng đã phát triển các giống lúa Sub1 có khả năng chống ngập tốt hơn nhiều. Lũ lụt là một vấn đề lớn ở các vùng trồng lúa ở miền Bắc Ấn Độ và Bangladesh, sẽ trở nên tồi tệ hơn khi khủng hoảng khí hậu phát triển. Ngày nay, khoảng 6 triệu nông dân trong khu vực đang sử dụng lúa Sub1 để bảo vệ mùa màng của họ trước lũ lụt.
Mặt khác, Golden rice là một giống GM được biến đổi để chứa vitamin A, được thiết kế để chống lại tình trạng thiếu vitamin A trong chế độ ăn uống ở các vùng của châu Á và châu Phi.
Công nghệ chỉnh sửa gen cũng đã giúp cứu sản lượng cây trồng khỏi bệnh bạc lá. Vào cuối thế kỷ 20, virus đốm vòng đu đủ gần như xóa sổ cây đu đủ ở Hawaii, nhưng một nhà khoa học địa phương đã phát triển một loại đu đủ biến đổi có khả năng kháng virus. Hạt giống được phân phối cho nông dân, tiết kiệm sản lượng đu đủ một thập kỷ sau đó
. David Spencer cũng đã nghiên cứu về việc bảo vệ đậu nành khỏi bệnh nấm lây lan khắp nước Mỹ.
"Hiện tại không có giải pháp thực sự nào kháng nấm ngoại trừ các ứng dụng thuốc diệt nấm quy mô lớn. Không ai muốn điều đó, vì vậy chúng tôi đã nghiên cứu thêm gen hoặc thay đổi DNA từ các loài thực vật có họ hàng xa để đạt được khả năng kháng nấm tốt hơn", Spencer nói với DW.
Nhiều người vẫn cảm thấy khó nuốt ý tưởng về thực phẩm biến đổi gen, một cuộc thăm dò dư luận năm 2020 cho thấy 50% người dân ở 20 quốc gia được khảo sát cho rằng thực phẩm biến đổi gen là không an toàn.
Khi cây trồng biến đổi gen lần đầu tiên được phát triển cách đây 30 năm, các nhà khoa học đã chia sẻ sự không chắc chắn và lo ngại về sự an toàn, nhưng mọi thứ giờ đây đã khác.
James Rhodes, một nhà phân tích an toàn sinh học tại Biosafety Nam Phi, giải thích rằng 30 năm phân tích dữ liệu và chứng cứ khoa học cho thấy thực phẩm biến đổi gen cũng an toàn như thực phẩm không biến đổi gen.
Theo James Rhodes, không thể ở bất kỳ quốc gia nào bắt đầu sử dụng GMOs mà không trải qua các yêu cầu quy định rộng rãi.
Ông nói: “Vào thời điểm nó được đưa ra thực địa và phê duyệt thương mại, nó đã trải qua một lịch sử phát triển lâu dài, đặc biệt là xem xét các rủi ro.
Nông nghiệp GM đang chuyển từ mô hình tập đoàn sản xuất nông nghiệp lớn đến các tập thể và hộ gia đình sản xuất nhỏ nhằm thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu, tránh lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
Tuy nhiên, như James Rhodes đã nói, các công nghệ GM mới sẽ được chấp nhận nhiều hơn khi nhu cầu của chúng trở nên lớn hơn, rõ ràng hơn, giống như trường hợp của virus đu đủ.