Thực phẩm biến đổi gien trong hành trình tìm kiếm sự thừa nhận

Thực phẩm biến đổi gien được cho là mang nhiều thuộc tính có ích nhưng vẫn bị quay lưng vì những lo ngại tác động lâu dài sức khỏe. Chúng ta hãy tìm hiểu kỹ vấn đề này.

Có nhiều hoài nghi cho thực phẩm biến đổi gien

Có nhiều hoài nghi cho thực phẩm biến đổi gien

Trong hơn mười năm qua, Vittoria Brambilla đã cố gắng cải thiện chất lượng, năng suất và giá trị dinh dưỡng của cây trồng. Nhưng nhà nghiên cứu thực vật học tại Đại học Milan (Ý) lo ngại rằng các nghiên cứu của bà có thể không bao giờ được công bố. Những thách thức đối với bà không phải là vấn đề khoa học mà là xã hội.

Biến đổi gien thực vật từng nằm ngoài vòng pháp luật

Những người nông dân Ý từ lâu đã tìm kiếm một giống lúa arborio hạt ngắn có khả năng kháng bệnh đạo ôn, một loại nấm gây bệnh tàn phá thực vật, phá hủy đủ lượng gạo trên toàn cầu để nuôi sống 60 triệu người mỗi năm. Sau nhiều năm làm việc, Brambilla đã sử dụng CRISPR để tạo ra một giống lúa arborio kháng bệnh đạo ôn mới có tên là RIS8imo.

Brambilla cho biết "Chúng tôi muốn sử dụng công nghệ biến đổi gien để tạo ra thứ gì đó mà người nông dân có thể hiểu và đánh giá cao". Nhưng cách diễn giải nghiêm ngặt của Quốc hội Ý dựa trên các quy định của Liên minh Châu Âu năm 2003 về sinh vật biến đổi gien (GMO) đã khiến Brambilla không thể tiến hành bất kỳ nghiên cứu thực địa nào về giống lúa mới của mình.

Vào năm 2023, sau quá trình vận động hành lang mạnh mẽ của cả nông dân và các nhà khoa học, chính phủ Ý đã thay đổi luật. Công việc của Brambilla có thể tiếp tục. Nhà nữ khoa học thuộc Đại học Milan đã trồng lúa vào đầu năm nay, nhưng những người phản đối đã nhổ hết tất cả các cây trồng khỏi mặt đất. Đối với Brambilla, đây là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng những thay đổi chính sách liên quan đến cây trồng biến đổi gien, gồm cả những cây được biến đổi gien bằng các kỹ thuật mới (NGT) như CRISPR, vẫn chưa nhận được sự chấp nhận của công chúng.

Nhà tâm lý học William Hallman của Đại học Rutgers, người nghiên cứu thái độ đối với GMO, cho biết: "Mọi người khá thoải mái khi sử dụng công nghệ sinh học hoặc biến đổi gien hoặc thậm chí là chỉnh sửa gien đối với những thứ mà họ không ăn". Hallman cho biết thêm: "Thực phẩm về cơ bản là khác biệt. Những gì xảy ra với thực phẩm là vấn đề cá nhân, văn hóa và mang tính biểu tượng theo cách không giống nhiều thứ khác".

Biến đổi gien thực vật từ xa xưa tới nay

Kể từ khi con người bắt đầu chủ động trồng ngũ cốc, trái cây và rau quả, chúng ta đã tìm cách lai tạo thực vật nhằm cải thiện năng suất mùa màng. Nhờ vậy, nông dân xưa đã lai tạo một số giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn hay một số giống khác có năng suất cao hơn, thời gian thu hoạch ngắn hơn... Cây trồng cũng được lai tạo hay tận dụng các đột biến tự nhiên để có thời hạn sử dụng, hương vị và hạt giống như mong muốn. Thực ra, đó cũng là một cách can thiệp để biến đổi gien của cha ông ta trước đây.

Cuộc cách mạng công nghệ sinh học của những năm 1980 và 1990 đã mở rộng phạm vi thay đổi di truyền mà các nhà lai tạo thực vật có thể thực hiện. Các nhà khoa học hiện có thể sửa đổi bộ gien của thực vật bằng cách chèn DNA có nguồn gốc từ một sinh vật hoàn toàn không liên quan. Triển vọng này đã tạo ra cả hy vọng và tranh cãi.

Thực phẩm biến đổi gien đầu tiên có mặt trên các kệ hàng là cà chua Flavr Savr tại Mỹ vào năm 1994. Thế nhưng, doanh số bán hàng đáng thất vọng khiến nó tự khỏi thị trường 2 năm sau đó. Gạo biến đổi gien để chứa β-carotene (gạo vàng) được ca ngợi vì tiềm năng giảm tình trạng thiếu vitamin và suy dinh dưỡng ở các nước châu Á có thu nhập thấp. Nhưng các phong trào xanh liên tục phản đối việc sử dụng gạo vàng, cho rằng gạo này không an toàn. Nông dân cũng nêu lên mối lo ngại về giá hạt giống biến đổi gien và tình trạng phấn hoa từ cây trồng biến đổi gien gây “ô nhiễm” các cánh đồng không biến đổi gien. Vào tháng 5.2024, tòa án ở Philippines đã cấm việc sản xuất gạo vàng và cà tím biến đổi gien.

Tuy nhiên, nhiều biến đổi gien thực sự giá trị. Những biến đổi này thường làm tăng khả năng kháng bệnh, côn trùng hoặc thuốc trừ sâu, nhưng người tiêu dùng hầu như không thể phân biệt được chúng với các loại thực vật không được biến đổi gien. Kai Purnhagien, chủ tịch khoa luật thực phẩm tại Đại học Bayreuth, cho biết nhận thức ngày càng giảm sút của xã hội phương Tây về nông nghiệp, khiến công chúng ác cảm với cây trồng biến đổi gien.

Sự nghi ngờ đó mạnh mẽ nhất ở Hội đồng châu Âu EU, nơi đã thông qua một số luật nghiêm ngặt nhất quản lý GMO vào năm 2003. GMO theo truyền thống được định nghĩa là cây trồng hoặc vật nuôi có chứa các biến đổi gien không thể xảy ra thông qua quá trình lai tạo tự nhiên. Một quy định của EU trong việc phê duyệt GMO là các nhà sản xuất phải cung cấp phương pháp để kiểm tra sự hiện diện của DNA ngoại lai. Đối với các sinh vật chuyển gien thế hệ đầu tiên, chẳng hạn như thực vật mang gien từ vi khuẩn, việc phát hiện rất đơn giản bằng các kỹ thuật giải trình tự gien tiêu chuẩn.

Sự ra đời của CRISPR và các kỹ thuật chỉnh sửa gien khác đã thách thức điều này. Các phương pháp chỉnh sửa gien rõ ràng là sửa đổi DNA, nhưng những thay đổi này có thể thực hiện được thông qua quá trình lai tạo thông thường nếu có đủ thời gian, may mắn và tiền bạc. Ngoài ra, các gien mới không có nguồn gốc từ một loài ngoại lai. Do đó, giải trình tự DNA không tiết lộ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có sự biến đổi gien.

Purnhagien nói: "Đột biến chính xác là điều có thể xảy ra trong tự nhiên; do đó, không thể trải qua quá trình cấp phép". Theo Purnhagien, những thay đổi gần như không thể phát hiện này khiến bất kỳ loại thực phẩm nào cũng không thể vượt qua tiêu chuẩn xết nghiệm của EU. Nếu không kiểm tra cửa quan trọng đó, thực phẩm không thể được tiếp thị hợp pháp tại EU (còn nữa).

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuc-pham-bien-doi-gien-trong-hanh-trinh-tim-kiem-su-thua-nhan-224891.html