Thực phẩm 'nhà làm' mùa Tết: Mua bằng niềm tin

Chị Ngô Phương Hoa (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm ngày Tết, gia đình chị đã chuyển sang sử dụng thực phẩm mua tại cửa hàng tiện ích và siêu thị. Mặc dù giá sản phẩm tại đây cao hơn so với chợ truyền thống nhưng có tem nhãn nhận diện nguồn gốc, xuất xứ, có ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng nên chị thấy yên tâm hơn.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tết Nguyên đán là dịp những mặt hàng thực phẩm sạch được tiêu thụ mạnh. Đây cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất chuẩn bị hàng hóa cung cấp ra thị trường. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, hợp tác xã thường xuyên giới thiệu quy trình sản xuất của các sản phẩm để tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Đối với khâu phân phối, các cửa hàng, hộ kinh doanh đã có sự chuẩn bị nguồn hàng từ sớm. Chị Nguyễn Thị Hằng (Cửa hàng thực phẩm sạch Phương Anh, tỉnh Hà Nam) cho biết: "Ngay từ tháng 10, chúng tôi đã làm việc với các nhà vườn, các nhà cung cấp để đặt các mặt hàng thực phẩm sạch đặc trưng dịp Tết như chuối, bưởi đỏ tiến vua, thịt lợn thảo dược, thịt gà, rau, củ và các loại đồ khô…

Các sản phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng, dán tem QR code để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm".

Chấp nhận mua thực phẩm giá cao

Theo số liệu khảo sát của AC Nielsen, tại Việt Nam, có 24% người tham gia khảo sát đang tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hàng ngày. 16% và 21% người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ 4 - 5 lần/ tuần và 2 - 3 lần/tuần...

Khoảng 90% người khảo sát đồng ý rằng thực phẩm hữu cơ đắt hơn so với các sản phẩm khác cùng loại. Tuy nhiên, họ vẫn đồng ý chi trả thêm một khoản cho thực phẩm hữu cơ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để phục vụ nhu cầu đối với thực phẩm sạch trong dịp Tết Nguyên đán, tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các địa chỉ bán đồ hữu cơ và ngay tại các chợ truyền thống, thực phẩm được gắn mác "hữu cơ", "sạch", "an toàn" được bày bán đa dạng.

Giá của các sản phẩm này thường cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với thực phẩm thông thường, do các yêu cầu về quy trình canh tác, sản xuất, kiểm soát chất lượng, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cụ thể, rau, củ, quả sạch, hữu cơ có giá bán cao hơn từ 30% đến 100% so với loại thông thường; trái cây hữu cơ có giá cao hơn từ 50% đến 150% so với trái cây thông thường… 1kg thịt lợn hữu cơ có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng, trong khi thịt lợn thường khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg.

Với thực phẩm Tết, người tiêu dùng còn có thêm phân khúc đặc sản như: tôm khô, thịt khô, trái cây, bánh mứt, bánh chưng, bánh tét được giới thiệu là hữu cơ, do nhà làm, không sử dụng các loại hóa chất, chất bảo quản.

Sản phẩm tự dán nhãn

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giá cả không phải lúc nào cũng là thước đo chính xác cho chất lượng thực phẩm. Trong một số trường hợp, giá cao chỉ phản ánh chi phí tiếp thị hoặc bao bì bắt mắt hơn là chất lượng bên trong.

Thực tế cho thấy, không ít sản phẩm "gắn mác" thực phẩm sạch nhưng không có giấy chứng nhận rõ ràng. Thậm chí, có những trường hợp người mua phải chịu thiệt khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất độc hại bị phát hiện tại cửa hàng Bách Hóa Xanh (tại Đắk Lắk) thời gian qua là một minh chứng.

Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng ưa thích thực phẩm quê, thịt gia súc, gia cầm do nhà nuôi, rau nhà trồng, trong dịp cận Tết năm nay, nhiều cơ sở cũng tự dán nhãn hữu cơ đối với sản phẩm của mình.

Không khó để thấy các loại thực phẩm nhà làm, được sản xuất thủ công như: giò chả, lạp xưởng, nem, các loại mứt… được bán tràn lan trên mạng xã hội, các hội nhóm, chợ online. Dù các sản phẩm này được người bán khẳng định 100% làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia và không phẩm màu độc hại nhưng chất lượng của sản phẩm vẫn là câu trả lời còn bỏ ngỏ.

"Với những sản phẩm được làm thủ công hay bếp nhà làm, chúng tôi thường mua bằng niềm tin", chị Nguyễn Tuyết Loan (Q.Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách nhận biết thực phẩm sạch

Để tránh "tiền mất tật mang", người tiêu dùng cần trang bị kiến thức để nhận biết thực phẩm sạch. Cụ thể:

- Kiểm tra nguồn gốc sản phẩm: Chỉ nên mua sản phẩm từ các thương hiệu hoặc cửa hàng uy tín, có giấy chứng nhận chất lượng. Kiểm tra tem nhãn, mã vạch và thông tin nguồn gốc sản phẩm trên bao bì.

- Tìm hiểu giấy chứng nhận: Các sản phẩm sạch cần có giấy chứng nhận từ cơ quan chức năng như VietGAP, GlobalGAP hoặc USDA Organic (đối với hàng nhập khẩu).

- Quan sát bằng cảm quan: Thực phẩm sạch thường có màu sắc tự nhiên, không quá bóng bẩy hoặc đồng nhất một cách bất thường. Tránh các sản phẩm có mùi lạ hoặc có dấu hiệu ẩm mốc.

- Ưu tiên các thương hiệu uy tín, đã xây dựng được lòng tin từ người tiêu dùng.

Lê Hoa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuc-pham-nha-lam-mua-tet-mua-bang-niem-tin-20250114155543364.htm