Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh thu 2 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực

Lãi ròng năm nay của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) được dự báo có thể tăng hơn 25% nhờ tăng cường tự chủ nguyên liệu và nhu cầu tiêu thụ tại loạt thị trường lớn hồi phục.

Năng lực tự chủ nguyên liệu của Thực phẩm Sao Ta dự kiến sẽ được cải thiện đáng kể trong năm nay khi vùng nuôi mới được vận hành toàn bộ.

Năng lực tự chủ nguyên liệu của Thực phẩm Sao Ta dự kiến sẽ được cải thiện đáng kể trong năm nay khi vùng nuôi mới được vận hành toàn bộ.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa cho biết, trong tháng 2/2024, sản lượng tôm thành phẩm đạt 931 tấn và sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 982 tấn, lần lượt giảm 8% và 9% so với cùng kỳ năm 2023. Tương tự, tiêu thụ nông sản thành phẩm của công ty cũng giảm 21%, đạt 87 tấn.

Qua đó, tổng doanh thu hợp nhất trong tháng 2/2024 của Thực phẩm Sao Ta đạt 11,3 triệu USD (tương đương 278,6 tỷ đồng), giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023. Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2 nên công ty chỉ hoạt động 21 ngày, cùng với đó nguyên liệu tôm ít do đã vào cuối vụ và đơn hàng ít.

Như vậy, lũy kế 2 tháng đầu năm nay, doanh thu của Thực phẩm Sao Ta đạt 30,5 triệu USD (tương đương 752 tỷ đồng), tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), giá tôm xuất khẩu trung bình quý 1/2024 của Thực phẩm Sao Ta có thể vẫn thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023 do đà phục hồi của giá bán trên toàn thị trường chưa rõ ràng. Tuy nhiên, doanh thu quý 1/2024 của Thực Phẩm Sao Ta dự kiến sẽ tương đương như cùng kỳ năm 2023, đạt 1.008 tỷ đồng, nhờ sản lượng tăng thêm 10% so với cùng kỳ năm 2023.

VDSC hiện dự phóng doanh thu và lợi nhuận cả năm nay của Thực phẩm Sao Ta sẽ lần lượt tăng 10% và 25,5% so với mức thực hiện của năm 2023. Yếu tố này được hỗ trợ bởi biên lợi nhuận gộp ước được cải thiện đáng kể lên mức 11% khi sản lượng tôm tự nuôi của Thực phẩm Sao Ta trong năm nay dự kiến tăng 29% so với năm 2023.

Hiện năng lực tự chủ tôm nguyên liệu của Thực phẩm Sao Ta đã đạt 40%. Vào tháng 7/2023, công ty đã đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, giúp mở rộng vùng nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha với khả năng cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khi toàn bộ vùng nuôi này đi vào vận hành đồng bộ trong năm nay, khả năng tự chủ nguyên liệu của Thực phẩm Sao Ta sẽ được tăng cường đáng kể. Công ty hiện đang sở hữu 3 nhà máy với công suất chế biến đạt 45.000 tấn/năm.

Đáng chú ý, so với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác, VDSC nhận định, Thực phẩm Sao Ta sẽ không chịu nhiều tác động từ tình hình căng thẳng vận tải biển tại khu vực Biển Đỏ, do công ty đang chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đối với thị trường EU, công ty đang chủ yếu xuất khẩu sang Anh theo giá FOB, không phải chịu cước phí vận chuyển.

Hiện nhiều tổ chức tài chính và các chuyên gia ngành hàng nhận định hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam năm nay sẽ hồi phục tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tăng trưởng. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ tôm trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU và Nhật Bản dự kiến sẽ tăng tốc phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 1/3, thị giá cổ phiếu FMC đạt 47.800 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/thuc-pham-sao-ta-fmc-doanh-thu-2-thang-dau-nam-tang-truong-tich-cuc-117493.htm