Thực phẩm tăng giá, thép giảm giá lần thứ 11 trong tuần cuối tháng 7
Tuần cuối tháng 7/2022, ghi nhận sự trái chiều trên thị trường, khi giá xăng dầu giảm sâu 3 lần liên tiếp, đứng ở mức 25.000 -26.000 đồng/lít thì giá tiêu dùng lại tăng, giá thép giảm lần thứ 11 liên tiếp.
Giá thực phẩm đứng ở mức cao
Trong ba kỳ điểu chỉnh gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tiếp giảm sâu với tổng mức giảm gần 7.000 đồng. Tuy nhiên, trái ngược với giá xăng dầu, giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh tại các chợ truyền thống vẫn giữ ở mức cao khiến người dân bức xúc.
Bà Lê Khánh Ngọc (cán bộ hưu trí, cư trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phàn nàn: “Khi giá xăng tăng thì giá cả trên thị trường tăng ngay, nhưng giá xăng dầu được Nhà nước điều chỉnh xuống mà nửa tháng nay giá các mặt hàng tiêu dùng chưa chịu xuống. Tình cảnh này làm cho đời sống dân sinh, nhất là đối tượng hưu trí như chúng tôi thêm khó khăn”.
Thị trường tuần cuối tháng 7/2022: Trái chiều giá tiêu dùng tăng, giá thép giảm lần thứ 11. Ảnh: TL
“Đầu tháng 7/2022, giá thịt lợn bình quân khoảng 90.000 đồng/kg nhưng hiện đã lên đến 120.000 đồng/kg. Không chỉ thịt lợn, mặt hàng rau xanh cũng tăng giá mạnh, hiện hành lá tăng từ 35.000 lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg; rau muống từ 10.000 lên 15.000 đồng/bó, cải thảo (Trung Quốc) từ 15.000 lên 22.000 đồng/kg…” - bà Khánh Ngọc nói.
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho thấy, thị trường lợn hơi 3 miền đồng loạt tăng, có nơi tăng mạnh 8.000 đồng/kg trong tuần qua. Tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng mạnh thêm 4.000 - 7.000 đồng/kg, giao dịch quanh mức 69.000 - 72.000 đồng/kg. Đây cũng là mức tăng tại miền Nam, đưa giá lợn hơi vùng này lên ngưỡng 59.000 - 66.000 đồng/kg. “Như vậy, do chi phí đầu vào, giá cả thế giới tăng nên giá thịt lợn của Việt Nam cũng tăng là điều khó tránh khỏi” - bà Lê Việt Nga nói.
Lý giải về việc giá xăng dầu xuống mà giá cả tiêu dùng trên thị trường chưa giảm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, có tình trạng “té nước theo mưa”, có nhiều loại mặt hàng không chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu, nhưng tư thương vẫn đẩy giá lên cao. Tuy nhiên cũng có mặt hàng, doanh nghiệp đang trong quá trình cân đối hoạt động sản xuất kinh doanh nên có độ trễ nhất định.
Hơn nữa, doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi điều chỉnh giá dịch vụ như cước vận tải, thì 10 ngày sau giá xăng dầu lại tăng thì sao? Tuy nhiên, với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành quyết tâm kéo giá xăng dầu xuống về lâu dài sẽ thúc đẩy kinh tế phục hồi, đời sống người dân được cải thiện.
Giá thép còn giảm đến hết quý III
Trái chiều với hàng hóa tiêu dùng tăng và đứng ở mức cao, tuần cuối tháng 7/2022, thị trường đón nhận tín hiệu tích cực từ việc giá thép giảm lần thứ 11 liên tiếp, rẻ hơn gần 4 triệu đồng/tấn.
Như vậy giá thép trong nước tiếp tục được giảm thêm cao nhất tới 360.000 đồng/tấn từ ngày 27/7. Đây là lần giảm giá thứ 11 liên tiếp của giá thép kể từ ngày 11/5, với tổng mức giảm cao nhất tới gần 4 triệu đồng/tấn.
Sau 10 lần điều chỉnh giảm liên tiếp với giá thép, nhiều doanh nghiệp thép trong nước ngày 27/7 tiếp tục hạ giá sản phẩm, với mức giảm cao nhất lên tới 360.000 đồng/tấn.
Giá thép giảm lần thứ 11 liên tiếp. Ảnh: CTV
Cụ thể, thương hiệu Thép Hòa Phát điều chỉnh giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc. Sau điều chỉnh, giá hai loại này của Hòa Phát tại miền Bắc còn 15,38 triệu đồng/tấn và 16,24 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, Thép Hòa Phát cũng giảm 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và giảm 150.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300, giá bán sau điều chỉnh lần lượt là 15,48 triệu đồng/tấn và 16,14 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu Thép Việt Ý cũng tiến hành giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 15,25 triệu đồng/tấn và 16,01 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán còn 15,25 triệu đồng/tấn và 16,01 triệu đồng/tấn.
Theo ghi nhận của Hiệp hội thép Việt Nam, đây là lần giảm thứ 11 của giá thép trong nước kể từ 11/5; tính từ đầu tháng 7, giá thép có 4 lần giảm liên tiếp.
Lý do khiến giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng, Hiệp hội thép Việt Nam cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới đi xuống. Bên cạnh đó, việc giá một số loại vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng khó khăn, hoạt động bị đình trệ, dẫn đến nhu cầu thép giảm. Hơn nữa, chính sách quản lý chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng tới nhu cầu thép.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, hiện nay nguồn cung thép hiện khá dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều. Tính đến hết tháng 5, lượng thép tồn kho nội địa còn 1,49 triệu tấn, đạt mức cao kỷ lục buộc các DN phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu, đẩy hàng tồn. Giá thép xây dựng trong nước dự báo sẽ tiếp tục giảm đến hết quý III do giá sản phẩm đầu vào sản xuất thép tại thị trường Trung Quốc đứng ở mức thấp.