Thực sự dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đảng vì dân mà thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
LTS: Một trong nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Liên quan đến nội dung này, Pháp Luật TP.HCM giới thiệu bài viết của TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM.
***
Đảng ta luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định năng lực lãnh đạo của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng, sự sống còn của chế độ. Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, Đảng lại càng đặc biệt chú trọng công tác này.
“Không có vùng cấm” đối với đảng viên vi phạm
Từ nhận thức đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Mặc dù, trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XI), Đảng đã ban hành nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XII), Đảng cũng tiếp tục ban hành một nghị quyết nữa về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Mục đích của việc này là để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,”tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Điều này cho thấy, Đảng ta rất quyết tâm trong đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái với mục tiêu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ trong sáng, liêm chính.
Thực tế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã được các cấp ủy triển khai, tổ chức thực hiện một cách bài bản, khoa học, có trọng tâm với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm chính trị cao, tiến hành có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, đã mang lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực.
Những kết quả này làm cho Đảng ta đoàn kết thống nhất hơn, vững mạnh hơn, đặc biệt là việc đấu tranh không khoan nhượng với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất “không có vùng cấm” ,“không có ngoại lệ” đã củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên
Nhân tố quyết định hành động quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước hết xuất phát từ tính tiên phong của Đảng, từ bản chất giai cấp công nhân, tính chiến đấu của Đảng. Đồng thời, xuất phát từ mục đích mà Đảng đã xác định là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh,... ; tất cả vì lợi ích của nhân dân.
Mục tiêu đó đặt ra yêu cầu Đảng phải thực sự vững mạnh, có uy tín, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.
Trong đó, Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, quy định tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cụ thể, trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành bốn nghị quyết, một quy định. Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các mặt của công tác xây dựng Đảng, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức.
Từ đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống chính trị; sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Có thể thấy, Đảng vì dân mà thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đảng thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thế nhưng, để duy trì công tác này, Đảng ta phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là vấn đề mang tính quy luật, là nhu cầu tồn tại và phát triển của Đảng, là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, chứ không phải chỉ thực hiện trong một giai đoạn rồi dừng lại.
Công tác này còn phải được chú trọng từ Trung ương đến từng chi bộ, từ người đứng đầu Đảng đến mỗi đảng viên.
Vì vậy, thời gian tới, trên cơ sở Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả, toàn diện trên tất cả các mặt (chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức).
Trong đó, các giải pháp đáng chú ý là phát huy vai trò tự giác, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ đảng viên; thẳng thắn, hiệu quả trong tự phê bình và phê bình; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đổi mới công tác cán bộ…; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Đặc biệt, sự quyết liệt, không nể nang, “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII cần phải được tiếp tục phát huy hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.
Lựa chọn cán bộ đưa đất nước đi lên
Bên cạnh đó, công tác cán bộ được Đảng ta coi là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong các kỳ đại hội, công tác lựa chọn nhân sự cấp cao, những người gánh vác trọng trách của Đảng, của đất nước luôn là vấn đề được Đảng chú trọng, được các tầng lớp nhân dân quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng.
Quan điểm của Đảng trong công tác cán bộ của Đại hội lần này là “kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không xứng đáng. Đồng thời, không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài có triển vọng phát triển”.
Cùng đó là lựa chọn những người thật sự xứng đáng, tiêu biểu cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức, năng lực. Kiên quyết không để lọt những người có một trong các khuyết điểm hạn chế sau vào quy hoạch. Cụ thể như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”; cơ hội, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền…
Với sự cẩn trọng, bài bản, khoa học, đảm bảo đúng quy trình của Đảng trong chuẩn bị nhân sự Đại hội lần này, chúng ta tin tưởng, những người đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là những cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng, đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh chính trị để gánh vác trọng trách mà nhân dân giao phó, đưa đất nước ta tiến lên thịnh vượng.
Ban Chấp hành Trung ương phải là một tập thể đoàn kết thống nhất, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng về bản lĩnh, trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
Ông NGUYỄN VĂN CHÍN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên:
Cần có cơ chế để người dân tham gia giám sát quyền lực
Tôi mong rằng Ban Chấp hành Trung ương XIII vừa được bầu ra sẽ toàn tâm toàn ý phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Đó phải là những người có tầm, có tâm, lấy đạo đức làm gốc, phải vì dân vì nước chứ đừng vì một bộ phận nào đó hay vì những mục đích cá nhân. Những người được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương phải tuyệt đối không vì cục bộ địa phương mà bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thời gian qua, Đảng ta tập trung chống tham nhũng, tiêu cực và đã mang lại nhiều kết quả, tăng cường sức mạnh của Đảng. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta muốn tăng cường sức mạnh cho Đảng hơn nữa trong “cuộc chiến” này thì phải huy động được cả xã hội vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Muốn huy được được sức mạnh cả xã hội vào cuộc thì phải có những chính sách cụ thể để bảo vệ những người dám đấu tranh chống lại cái sai.
Muốn chống tham nhũng triệt để thì phải kiểm soát được quyền lợi. Muốn kiểm soát quyền lực thì người dân phải thật sự làm chủ. Tôi mong muốn từ đại hội XIII, Đảng đề ra những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân với tư cách là chủ đất nước này tham gia giám sát quyền lực. Phải có cơ chế cụ thể, tạo điều kiện để người dân được bày tỏ ý kiến. Cùng đó là Phải công khai để người dân biết, tham gia rộng rãi vào những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội lớn của đất nước, địa phương.
TẤN LỘC ghi
LÊ THOAghi
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/thuc-su-dua-vao-dan-de-xay-dung-chinh-don-dang-965695.html