Thực tài và thực dụng
Người có tài thực sự, làm việc gì cũng quang minh chính đại, bình tĩnh mà lại quyết đoán, có tầm nhìn xa rộng. Người thực tài không bị trói buộc bởi các loại tình cảm hay bị dính mắc vì lợi ích, họ cũng không tùy tiện khoe khoang trí tuệ của mình.
Bên cạnh những người thực tài, luôn dễ gặp những người thực dụng, luôn tôn thờ vật chất, lấy đó làm mục đích sống của bản thân, nên luôn tìm mọi cách thu vén, thậm chí tranh đoạt lợi ích cho riêng mình. Cán bộ đảng viên thực dụng thường có tham vọng rất lớn, hám công danh, địa vị; sẵn sàng “chạy” dưới mọi hình thức để dễ bề kiếm chác. Trong công việc, ngoài mặt thì tỏ ra tích cực, trách nhiệm, nhưng đằng sau đó, họ lại làm cho xong việc. Khi gặp khó khăn, người thực dụng thường dễ thoái chí, co cụm trong “khoảng an toàn”. Khi có thành tích thì tranh công, khi có khuyết điểm thì tìm cách đổ lỗi, không dám nhận trách nhiệm về mình.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cảnh báo có một bộ phận cán bộ, đảng viên mang biểu hiện: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ lối sống thực dụng là nguyên nhân dẫn đến sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao.
Nhân dân mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm. Nhân dân cũng mong muốn Đảng luôn có con mắt tinh tường, nhìn rõ người có thực tài và người thực dụng; để hàng ngũ của Đảng luôn vững mạnh.