Thúc tăng trưởng kinh tế: Nhiều giải pháp phát triển thị trường bất động sản

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2023, bên cạnh các chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ trọng tâm trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công thì ổn định và phát triển thị trường bất động sản là một trong những vấn đề trọng tâm…

Ngày 21/4, Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản".

Rủi ro thách thức kinh tế năm 2023

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 song những vấn đề nội tại của nền kinh tế đang bộc lộ rõ nét.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Nhiều vấn đề của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ còn chưa được cải thiện. Một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững.

Trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Ổn định và phát triển thị trường bất động sản", nhóm nghiên cứu chỉ ra những thách thức mới năm 2023 là sự suy giảm kinh tế thế giới, triển vọng ảm đạm từ các đối tác thương mại lớn, nguy cơ lạm phát toàn cầu, chi phí sản xuất của doanh nghiệp gia tăng…

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 đặt ra, Chính phủ cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Báo cáo khuyến nghị một số nhóm vấn đề như đổi mới thể chế kinh tế; các chính sách tài khóa hỗ trợ trọng tâm trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; Chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt. Trong ngắn hạn, lựa chọn một mô hình “trung dung”, chấp nhận ổn định tỷ giá ở một mức độ nhất định, gia tăng dự trữ ngoại hối đi kèm với các biện pháp trung hòa có hiệu lực mạnh, lựa chọn cách thức kiểm soát vốn hiệu quả.

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản.

Độ lan tỏa của bất động sản tới gần 100 ngành nghề

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, độ lan tỏa của bất động sản rất lớn, có quan hệ trực tiếp tới 40 ngành kinh tế và gián tiếp gần 100 ngành nghề. Do vai trò, vị trí của ngành bất động sản vô cùng quan trọng nên sự biến động của thị trường đã có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.

“Ổn định và phát triển thị trường bất động sản là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác điều hành chính sách trong năm 2023”- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2022 khuyến nghị.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, kết quả tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp hơn mục tiêu cho thấy nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

"Mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, lạm phát bình quân 4,5% nếu không thực sự quyết liệt và khôn khéo, chủ động và linh hoạt trong điều hành sẽ là thách thức rất lớn" - TS Nguyễn Đức Hiển nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, thị trường bất động sản là điểm nghẽn chính đối với phục hồi và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Do đó, giải quyết tốt các vấn đề của thị trường bất động sản sẽ có tác động tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Theo PGS TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, quản lý tài chính và đầu tư phát triển bất động sản vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan với tư duy bao cấp về hàng hóa bất động sản (hàng hóa quyền sử dụng đất) trên thị trường sơ cấp. Việc điều hành quản lý và phát triển thị trường bất động sản cũng còn nhiều hạn chế bất cập, chưa phát huy được vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, điều tiết vĩ mô và kiểm soát hoạt động của thị trường, bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động một cách ổn định, lành mạnh. Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.. chưa thống nhất và chồng chéo.

Quy định và thủ tục triển khai các dự án còn nhiều điểm nghẽn dẫn đến thị trường thiếu hụt nguồn cung, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch... gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Rủi ro trên thị trường bất động sản có thể lan truyền đến rủi ro trên thị trường tài chính tiền tệ khi phần lớn nguồn vốn vào thị trường bất động sản là từ dòng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp phải nhiều rủi ro bất ổn, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính.

Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường bất động sản cần: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát chống đầu cơ bất động sản, sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết thị trường. Nhóm giải pháp điều tiết cung- cầu và gia tăng tính minh bạch thông tin dự báo thị trường, phát triển cân đối giữa cung và cầu.

Về nhóm giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản cần mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Ban hành các tiêu chí và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các loại bất động sản khác nhau, các dự án hiệu quả.

Đối với nguồn phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Rà soát tài chính để khoanh vùng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể hỗ trợ. Sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các ngân hàng thương mại. Khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các Quỹ đầu tư bất động sản…

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuc-tang-truong-kinh-te-nhieu-giai-phap-phat-trien-thi-truong-bat-dong-san.html