Thực thi cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA
Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho Việt Nam đối với 14 mặt hàng. Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực thi các cam kết này, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin cụ thể về cơ chế phân bổ và quản lý TRQ của EU đối với từng mặt hàng.
Theo đó, 14 mặt hàng mà EU cam kết dành TRQ cho Việt Nam bao gồm trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay thuộc một số loại gạo thơm nhất định; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác.
Đối với mặt hàng gạo, cơ chế TRQ được thực hiện với đầu mối phía EU là đơn vị G.4 (cây trồng và dầu ô liu) thuộc Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ theo quy định thực thi của EU về việc mở và tiếp nhận TRQ nhập khẩu cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ cần xin cấp giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên và phải nộp một số tiền bảo đảm là 30 Euro/tấn tại thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép. Trong trường hợp số lượng đăng ký vượt quá số lượng có sẵn theo TRQ cho giai đoạn, EU sẽ cố định một hệ số phân bổ.
Các lô hàng gạo thơm thuộc diện TRQ khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo TRQ của Hiệp định. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đang phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn quy trình đăng ký giấy chứng nhận này để ban hành ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Còn với các mặt hàng còn lại, cơ chế TRQ trong Hiệp định, với đầu mới phía EU là Tổng cục Thuế và Hải quan. Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, TRQ sẽ được phân bổ và quản lý theo quy định tại Điều 49 đến 54 của Quy định thực thi (EU) 2015/2447. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước”, dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.
Hiện, EU đang trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi các cam kết về TRQ trong Hiệp định EVFTA.