Thực thi EPR: Gia tăng cơ hội xuất khẩu tại thị trường khó tính
Thực thi EPR giúp gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào các thị trường có yêu cầu cao về môi trường, trong đó thị trường EU, Bắc Mỹ.
Tăng tính cạnh tranh trên thị trường
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải thải ra môi trường. Tại Việt Nam, cơ sở pháp lý đã quy định đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế.

EPR làm gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào các thị trường quốc tế
Về thời gian thực thi, với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và một số loại bao bì có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027.
Với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải: nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, kẹo cao su, thuốc lá,… một số sản phẩm nhựa tổng hợp và bao bì thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01/01/2022.
Với ngành bao bì, tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10 - 22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%...
Là một trong những ngành sản xuất có tỷ lệ tái chế rất là cao, ông Lương Chí Hiếu, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nhận định, việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ngành giấy.
Theo đó, tạo ra chuỗi giá trị bền vững, kết nối bên trong hệ sinh thái, từ việc thu gom, phân loại, xử lý và tái chế. Bên cạnh đó, giúp nâng cao cho hình ảnh cho doanh nghiệp là những doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc đồng hành cùng phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, EPR cũng làm gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào các thị trường quốc tế, những thị trường mà có yêu cầu cao về môi trường như EU, Bắc Mỹ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay, từ năm 2024 khi mỗi sản phẩm hàng hóa muốn xuất khẩu ra thị trường quốc tế phải có tỷ lệ tái chế bắt buộc trong sản phẩm. Đến năm 2025, các mặt hàng như sắt, thép, nhôm, phân bón, xi măng… sẽ cần tăng cường tỷ lệ tái chế, xử lý nếu muốn xuất khẩu.
Như vậy, việc thực thi EPR là cần thiết và gấp rút, không chỉ giúp cho môi trường ngày càng xanh, sạch hơn mà còn giúp doanh nghiệp có thể duy trì xuất khẩu, sản phẩm bảo đảm tính bền vững trên thị trường quốc tế.
“Việc thực thi EPR bắt đầu từ năm 2024 tạo đà cho ngành công nghiệp tái chế, giúp doanh nghiệp duy trì xuất khẩu và đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thị trường quốc tế”, ông Hồ Kiên Trung nói.
Cần khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ
Việc thực thi trách nhiệm EPR giúp doanh nghiệp được nâng cao nhận thức, thực thi một cách trách nhiệm hơn nghĩa vụ với bảo vệ môi trường. Từ đó, đáp ứng với những quy định ngày một cao về “tiêu chuẩn xanh” của các thị trường. Không chỉ tạo thêm dư địa xuất khẩu cho các ngành hàng, thực thi EPR còn góp phần quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết đưa ra tại COP26.
Dù vậy, việc triển khai EPR các doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn nhất định. Thứ nhất, chi phí ký Quỹ Bảo vệ Môi trường khi nhập khẩu nguyên liệu thu hồi về làm nguyên liệu sản xuất.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký Quỹ Bảo vệ Môi trường 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu nếu khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15%; Khối lượng nhập khẩu từ 100 - 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18%; Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Đây là tỉ lệ ký quỹ quá cao và gây áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp. Thứ hai, hạn mức nhập khẩu nguyên liệu bị chia đều theo từng năm và không linh hoạt theo nhu cầu thị trường. Thứ ba, hệ thống thu gom nội địa còn chưa chuyên nghiệp và manh mún, thiếu chính sách hỗ trợ cho người thu gom.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, bà Phạm Trúc Thanh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty HEINEKEN Việt Nam cho biết, EPR là chính sách quan trọng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, công ty vẫn gặp khó khăn do thiếu hạ tầng thu gom và công nghệ tái chế tiên tiến. Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ về chính sách để nâng cao tỷ lệ thu gom, giảm thất thoát tài nguyên và thúc đẩy tái chế khép kín.
Thực hiện EPR là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường và duy trì xuất khẩu trong bối cảnh toàn cầu chuyển sang nền kinh tế xanh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp và sự hợp tác của doanh nghiệp, EPR hứa hẹn sẽ là chìa khóa mở ra tương lai bền vững cho ngành sản xuất Việt Nam. Qua đó, Việt Nam không chỉ giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống xanh, sạch và bền vững cho các thế hệ tương lai.
Chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững thông qua việc áp dụng EPR là chìa khóa để hình thành một hệ thống công nghiệp tái chế vững mạnh. Điều này không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm mà còn giúp chúng ta duy trì vị thế trên thị trường quốc tế.
Dù vậy, từ góc độ quản lý, các chuyên gia cho rằng, việc thực thi EPR đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ, cũng như sự phối hợp giữa các Bộ ngành liên quan. Các cơ quan quản lý cũng cần đảm bảo rằng các quy định EPR được áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đặc biệt là ở những vùng sản xuất chủ lực.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng một Nghị định riêng quy định chi tiết về EPR. Theo Dự thảo Nghị định, tỷ lệ tái chế bắt buộc sẽ được điều chỉnh theo chu kỳ 3 năm 1 lần, mỗi lần điều chỉnh không tăng quá 10% của tỷ lệ tái chế bắt buộc và chu kỳ đầu tiên bắt đầu tính từ năm 2026. Đối với mức đóng góp tài chính sẽ được điều chỉnh 5 năm 1 lần; mỗi lần điều chỉnh không tăng quá 15% của mức đóng góp trong chu kỳ liền trước, chu kỳ đầu tiên cũng tính từ năm 2026.Một điểm mới nữa của Nghị định chính là quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải. Theo đó, UBND tỉnh là đối tượng được hỗ trợ để chủ động thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động xử lý chất thải.