Thực thi EVFTA: Những giải pháp trọng tâm cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19
PHẠM THỊ DIỆU PHÚC (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)
TÓM TẮT:
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) khi được thực thi sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của nước ta sang thị trường châu Âu (EU). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để thích ứng và tận dụng được tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại.
Từ khóa: EVFTA, Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam, xuất nhập khẩu.
1. Đặt vấn đề
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn hiệp định, tạo nền tảng mới bền vững cho mối quan hệ Việt Nam - châu Âu. Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn y quyết định của Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam bằng hình thức văn bản ngày 30/3/2020, trong bối cảnh các cuộc họp của EU đều bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra.
Việc EU sớm hoàn tất toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, thậm chí thúc đẩy chuẩn y bằng hình thức văn bản khi không thể tiến hành các cuộc họp như thường lệ, thể hiện EU coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực. Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa lý - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại như giảm thuế, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với các DN của EU, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.
2. Thực trạng
EU là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam. Những năm trước đây, xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm khoảng 18 - 19%, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: máy móc, thiết bị phụ tùng (chiếm tỷ trọng 46,2%), dệt may (chiếm tỷ trọng 18,1%), nông sản (chiếm tỷ trọng 8,5%), giày dép, cặp túi (chiếm tỷ trọng 7,1%), linh kiện điện tử - máy tính (chiếm tỷ trọng 3,4%).
Với việc phê chuẩn hiệp định, ngay lập tức, châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, sau 7 năm sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế. Điều này giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Việt Nam cũng xóa bỏ 48,5%, tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ (Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ. Khi được hưởng ưu đãi thuế quan, các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, hàng điện tử, thủy sản, đồ gỗ,… sẽ có thể vào được thị trường EU một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các hàng hóa của Việt Nam do EU là một thị trường có mức thu nhập cao và cũng là thị trường có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất lớn.
Bên cạnh đó, cần tính đến những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong quý I/2020, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351.400 tỉ đồng, tăng 4,4% về số DN nhưng giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các DN là 552.419 tỉ đồng (giảm 23,5%), tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I đạt khoảng 903.788 tỉ đồng, giảm 17,7%. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong quý I là 243.711 lao động, giảm 23,3%.
Quý I hàng năm, các DN thường lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, tỷ lệ quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ nhiều nhất. Nhưng quý I/2020,có gần 34.900 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước). Bao gồm 18.600 DN tạm thời đóng cửa - tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 12.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể - giảm 20,6%; 4.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể - giảm 0,02%.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2020 của EU. Thực tế, các công ty chủ động giảm nhập khẩu chứ EU không có quy định nào cấm nhập khẩu. Nguyên do là nhiều nước châu Âu bị phong tỏa, các cửa hàng phải đóng cửa theo lệnh của nhà chức trách một số nước hoặc có rất ít khách tới mua hàng. Kênh mua bán trên mạng của ngành thời trang cũng không khả quan vì trong bối cảnh dịch bệnh đa số người dân cũng không có tâm trạng hoặc không có khả năng mua những mặt hàng này.
Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực tình hình sẽ khả quan hơn. Đây là khả năng mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên lưu ý, cần dự báo và đón đầu thị trường một cách chính xác.
3. Giải pháp
Để không bỏ lỡ cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần có nhiều biện pháp giữ chân khách hàng hiện tại, tích cực hợp tác với đối tác châu Âu trong việc hủy hoặc điều chỉnh đơn hàng cho phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay. Sau cuộc khủng khoảng này, thị trường sẽ có nhiều thay đổi cả về quy mô các đơn hàng cũng như cách thức vận hành. Vì vậy ngay từ lúc này, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện những giải pháp cần thiết để đón đầu thị trường.
3.1. Nghiên cứu, đánh giá tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU
Thị trường EU rất lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận bởi đây là một thị trường khó tính. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Doanh nghiệp đã xác định EU là thị trường mục tiêu thì cần có cách tiếp cận bài bản. DN phải chủ động thành lập phòng nghiên cứu hoặc thuê các tổ chức nghiên cứu để đánh giá tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU.
Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí nhất định để điều chỉnh sản xuất. Ví dụ, để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi về nguồn cung nguyên liệu, từ nước ngoài sang nội địa. Mua từ nội địa đắt hơn nhưng điều đó lại giúp các doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu hàng sang EU.
3.2. Xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn
Các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp. Đồng thời, có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tận dụng hình thức quảng bá trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra. Từ đó, bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc.
Riêng một số lĩnh vực như y tế, dệt may cần nghiên cứu thị trường để đưa ra những sản phẩm cấp thiết cho giai đoạn hiện nay, khi các nước châu Âu đang thiếu nghiêm trọng thiết bị vật tư y tế và đồ bảo hộ để chống dịch Covid-19. Chú ý, phải xây dựng kế hoạch sản xuất theo những dự báo của thị trường cho phù hợp, tiến tới khi hết dịch có phương án chuyển đổi hiệu quả, linh hoạt.
3.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Việt Nam có lực lượng lao động đông đảo và chi phí thấp nhưng khả năng hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao vẫn chưa cao. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Các DN Việt Nam cần đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mời chuyên gia về đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao cho người lao động.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn là điều cần thiết phải thực hiện ngay vì khách hàng EU có yêu cầu khắt khe về chất lượng cũng như quy trình sản xuất sản phẩm.
Nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu không ít sản phẩm của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN và các nước không thuộc khối có FTA với EU. Hiện nay, EU có quy định tương đối chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, muốn xuất khẩu được hưởng lợi về thuế quan, các sản phẩm của Việt Nam phải chế biến từ nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc từ các quốc gia có FTA với EU. Nếu không nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc thì các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được tối đa các ưu đãi do EVFTA mang lại.
Đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp
Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay, mọi thứ đều được số hóa thông tin. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy cũng như mô hình quản trị. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 phải hạn chế tiếp xúc xã hội, chúng ta càng thấy được tận dụng công nghệ thông tin mang lại rất nhiều lợi ích cho các DN.
Minh bạch thông tin
Các DN Việt Nam cần phải minh bạch thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất kinh doanh để các đối tác EU có thể tiếp cận và nghiên cứu sản phẩm được dễ dàng. Do đó, DN sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ marketing xây dựng thương hiệu không chỉ thông qua các triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm mà còn tìm kiếm các kênh quảng bá sản phẩm mới. Ví dụ: Các nhóm, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; các phương tiện truyền thông như mạng internet, mạng xã hội. DN phân phối cần chủ động tiếp cận, hỗ trợ các DN, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn của thị trường EU cũng như hỗ trợ quảng bá, nâng cao thương hiệu của sản phẩm.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng thì những hàng hóa thiết yếu của Việt Nam có giá cả cạnh tranh tốt sẽ được người tiêu dùng châu Âu chú ý nhiều hơn nếu chúng ta minh bạch được thông tin và có nhiều kênh quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo số 2086/BC-BKHĐT về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg và tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2020, Nghị quyết Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;
[2]. Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo số 47/BC-TCTK về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020;
[3]. Thông tin từ các website: www.trungtamwto.vn; www.baochinhphu.vn; www.ndh.vn
The implementation of the EVFTA: Key solutions for Vietnamese enterprises amid the Covid-19 pandemic
Pham Thi Dieu Phuc
Faculty of Finance and Banking
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
The implementation of the EU - Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) will significantly promote Vietnam’s exports to the EU market. Amid the complicated development of Covid-19 pandemic, it is necessary for Vietnamese enterprises to adjust their businesses to adapt and make the most of benefits that the EVFTA brings.
Keywords: EVFTA, Vietnamese enterprises, import-export.