Thực thi hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật

Thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh, các sở, ngành, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện các luật và văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc trách nhiệm, phạm vi quản lý của mình và đạt hiệu quả cao. Việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL của tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cán bộ lưu trữ thuộc Văn phòng Tỉnh ủy sắp xếp các văn bản lưu trữ của Đảng - Ảnh: T.A.M

Cán bộ lưu trữ thuộc Văn phòng Tỉnh ủy sắp xếp các văn bản lưu trữ của Đảng - Ảnh: T.A.M

Các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản QPPL; tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện các luật và văn bản QPPL trên toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được chú trọng thực hiện gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị và thực tế của ngành, địa phương.

Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch PBGDPL đúng thời hạn quy định. Qua đó, xác định các nhiệm vụ cụ thể, tiến độ thực hiện, trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.

Các sở, ban, ngành tập trung phổ biến, triển khai các văn bản quy định lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình; UBND cấp huyện thực hiện và chỉ đạo UBND cấp xã triển khai các văn bản pháp luật, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND các cấp như: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra, Luật Giáo dục 2019...; các văn bản liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách dân tộc; cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm, ma túy; chuyển đổi số; pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải phóng mặt bằng; tái định cư, quản lý hành chính về trật tự xã hội; xuất nhập cảnh; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội...

Các cấp, ngành đã tập trung tuyên truyền các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội, nổi bật như: Dự thảo Luật Đất đai, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Bên cạnh phổ biến pháp luật trực tiếp, các đơn vị, địa phương đã đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, tùy thuộc vào đối tượng và nội dung để sử dụng hình thức phù hợp như: thông qua các trang thông tin điện tử, ứng dụng mạng xã hội, thực hiện chuyên trang, chuyện mục đăng tải trên báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, sử dụng các pano, áp phích, tranh cổ động... để đưa luật, nghị định, nghị quyết đến tận người dân trên địa bàn một cách có hiệu quả nhất.

Việc triển khai PBGDPL được các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện sáng tạo như: tập huấn theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, tuyên truyền từng đội, nhóm nhỏ, loa truyền thanh phát ở nơi công cộng; Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức cuộc thi tim hiểu cải cách hành chính năm 2023; Sở Y tế phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 tại TP. Đông Hà đã treo 336 băng rôn, khẩu hiệu vượt đường, phát 18.706 tờ gấp, 496 tranh cổ động, áp phích, pano, 7 băng đĩa, 300 sổ tay an toàn thực phẩm.

Các sở, ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp xây dựng các chuyên mục PBGDPL để tìm hiểu pháp luật, hỏi - đáp pháp luật, nghiên cứu - trao đổi, thông tin tuyên truyền, PBGDPL trong ngành giáo dục...

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực thi văn bản QPPL nên tình hình tuân thủ các quy định pháp luật ở tất cả các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước và ở các địa phương về cơ bản đã đi vào nền nếp. Các vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước ở các ngành, lĩnh vực được xử lý kịp thời.

Các văn bản QPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý. Công tác theo dõi thi hành pháp luật trong năm qua cũng được các đơn vị, địa phương chú trọng. Nhiều cơ quan, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện ra một số sai phạm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.

Ở cấp huyện cũng chủ động, tích cực, nghiêm túc triển khai các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Công tác tiếp công dân từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Tình hình tuân thủ các quy định pháp luật được các phòng, ban, ngành, chính quyền cơ sở quan tâm. Ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân ngày càng nâng cao.

Các điều kiện thi hành luật và văn bản QPPL được chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo bố trí kinh phí và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác tuyên truyền, PBGDPL, triển khai thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: một số văn bản QPPL vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện. Việc quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện một số luật và các văn bản QPPL còn chậm hoặc hướng dẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn, bất cập và lúng túng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện.

Cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực một số địa phương, đơn vị còn hạn chế. Việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động thi hành luật và các văn bản QPPL còn khó khăn. Một số nghị quyết, quyết định khi triển khai thực hiện ở địa phương, cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong cơ chế, chính sách và điều kiện thực tế. Việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực còn vướng mắc hoặc chưa triệt để như lĩnh vực quản lý và sử dụng pháo nổ...

Để đảm bảo tính khả thi, tính ổn định, tính kịp thời, hạn chế sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản QPPL, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật kịp thời, đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện.

Thời gian tới, HĐND tỉnh tăng cường thực hiện chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, đặc biệt là các đạo luật về tư pháp, trong đó chú trọng giám sát chuyên đề đối với các hoạt động tư pháp; quan tâm, giám sát đối với việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, đặc biệt là các nghị quyết liên quan đến thực hiện các định mức chi và chế độ, chính sách, lĩnh vực đầu tư công, thu hút đầu tư, kinh doanh thương mại, chương trình PBGDPL, hòa giải ở cơ sở...

Tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL; quan tâm tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính ở địa phương, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Trần Anh Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/thuc-thi-hieu-qua-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat/183497.htm