Thực thi hiệu quả, thực chất hơn các giải pháp về cải cách thể chế, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới

Thảo luận ở tổ sáng nay, 23.5, các đại biểu Quốc hội Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang) đề nghị Chính phủ thực thi hiệu quả, thực chất hơn nữa các giải pháp về cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững...

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang)

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang)

Nâng cao chất lượng các dự án luật

Đánh giá kết quả kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực, chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ thời gian qua. Theo ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), năm 2023, bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; tình hình trong nước cũng rất khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt.

Bên cạnh các kết quả tích cực, đại biểu Nguyễn Minh Sơn chỉ rõ, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt tăng trưởng ổn định trong bối cảnh khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu

Để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, theo đại biểu, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành và điều chỉnh một số văn bản pháp lý liên quan đến tín dụng, đồng thời triển khai một số chính sách nhằm tăng cường mức độ tiếp cận tín dụng, nhất là với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Liên quan đến các động lực tăng trưởng truyền thống, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân, đẩy mạnh cải cách hành chính, hạn chế các hoạt động bất lợi đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, kích thích chi tiêu của người tiêu dùng thông qua các chính sách gia tăng trợ cấp xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm ở cả khu vực chính thức và phi chính thức; nâng cao mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế thu nhập cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng đề nghị, tập trung kiến tạo các động lực tăng trưởng mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững...

Các đại biểu Quốc hội Tổ 10 tại phiên họp tổ

Các đại biểu Quốc hội Tổ 10 tại phiên họp tổ

Nhấn mạnh quan điểm “phát huy mọi nguồn lực” là rất quan trọng, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nêu nguồn lực rất lớn của nước ta là khu vực doanh nghiệp nhà nước và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay càng cần thiết phải phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của các doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, cần có nhóm giải pháp để động viên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, lành mạnh; cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng và tạo đầu ra thông thoáng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng kiến nghị Chính phủ cần thực thi hiệu quả, thực chất hơn nữa các giải pháp về cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có các giải pháp mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính.

Đại biểu đặc biệt mong muốn Chính phủ chú trọng nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội; không nên ban hành các quy định mới tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Bố trí nguồn lực phù hợp

Quan tâm đến Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) ghi nhận các kết quả đạt được trong thời gian vừa qua là rất khả quan, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của nước ta tăng 15 bậc so với năm 2021, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới còn nhiều khó khăn về khoảng cách giới khi già hóa dân số; khoảng cách thu nhập giữa nam giới và nữ giới; lao động nữ làm việc chủ yếu trong ngành nghề thâm dụng lao động, ngành nghề giản đơn...

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu

Qua đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy trình, thủ tục, nội dung, chất lượng, đánh giá tác động về mặt kinh tế - xã hội và cả bình đẳng giới khi xây dựng các dự án luật; có giải pháp, chính sách kịp thời trong bối cảnh già hóa dân số, quan tâm hơn nữa phân bổ nguồn lực và ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án về bình đẳng giới. “Bình đẳng giới không chỉ hướng đến đối tượng là phụ nữ mà là tất cả các đối tượng trong xã hội”, đại biểu nói.

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) chỉ rõ, trong Báo cáo của Chính phủ vẫn còn thiếu số liệu của 8 địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, giải pháp tháo gỡ 4 chỉ tiêu không đạt cũng chưa được rõ ràng, cụ thể. Mặt khác, nguồn lực cả về ngân sách và con người được các địa phương bố trí cho thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới cũng rất ít, chưa phù hợp.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị các giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ cần thiết kế theo hướng bám sát 4 chỉ tiêu chưa đạt để bảo đảm tính khả thi. Các địa phương cũng cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực phù hợp hơn; sắp xếp, kiện toàn, bố trí đủ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác bình đẳng giới.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/day-manh-cai-cach-the-che-kien-tao-cac-dong-luc-tang-truong-moi-i372622/