Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi): Hoàn thiện cơ sở thu, gắn với cơ cấu lại thu ngân sách

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại phiên họp chiều 24/6 về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá, dự thảo luật có nhiều quy định mới góp phần quan trọng hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách, mở rộng cơ sở thu. Bên cạnh đó, một số quy định trong dự thảo cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là một số hàng hóa chuyển sang chịu thuế suất 5%... Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sau đó đã giải trình làm rõ hơn về những nội dung này.

Nguồn: Tờ trình số 238/TTr-CP Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tờ trình số 238/TTr-CP Đồ họa: Phương Anh

Nên giao Chính phủ để điều hành linh hoạt

Đánh giá chung, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục quản lý thuế và tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, cũng như việc khắc phục những hạn chế bất cập của Luật Thuế GTGT hiện hành.

Đánh giá kỹ tác động trước khi trình tại kỳ họp tới

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thuế GTGT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ, nên sẽ liên quan nhiều đến lợi ích của doanh nghiệp, người dân. Do đó, Ban soạn thảo đã nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế GTGT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ các góp ý của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, tiếp tục lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách, từng vấn đề còn tranh luận để tới kỳ họp sau đảm bảo thống nhất khi ban hành.

Về các nội dung cụ thể, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) và một số đại biểu khác cho rằng, Luật Thuế GTGT hiện hành quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế. Dự thảo luật lần này quy định mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định rõ mức doanh thu tối thiểu hàng năm là bao nhiêu và giao cho Chính phủ quy định từ mức tối thiểu đó trở lên. Trong đó, lưu ý việc điều chỉnh mức doanh thu phải phù hợp với biến động giá cả và tình hình sản xuất kinh doanh.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay quy định trong luật thuế phải đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới và thuế thật sự là công cụ để bảo vệ nền kinh tế. Các quy định phải phù hợp cho quá trình điều hành và quản lý nền kinh tế. Do vậy, việc phân cấp cho Chính phủ là hết sức quan trọng, đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành.

Như quy định về giá trị dịch vụ, hàng hóa không chịu thuế, do tác động của lạm phát, tiền lương… Chính phủ nên được linh hoạt ban hành quy định các mức khác nhau theo từng thời kỳ. Trước khi tham mưu cho Chính phủ ban hành, cơ quan tham mưu sẽ phải đánh giá toàn diện các yếu tố, từ chỉ số giá tiêu dùng, tiền lương, biến động tỷ giá… Bộ trưởng cũng bày tỏ nhất trí nếu luật quy định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, tuy nhiên, lưu ý điều này sẽ làm mất thêm thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.

Quan tâm đến quy định về trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phải chịu thuế, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, hiện nay mỗi ngày ở các cửa khẩu có từ 4 đến 5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do mỗi món hàng có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để có quy định phù hợp thực tế và những đối tượng chịu thuế chấp nhận được.

Trong phần phát biểu sau đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo Quyết định 78 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay nhiều nước đã thực hiện thu thuế đối với hàng hóa giá trị nhỏ. Tại dự thảo cũng đã có quy định phân biệt cho hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, theo đó sẽ vẫn thu thuế đối với loại hàng hóa này.

Giá phân bón tăng không phải do tăng thuế

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm góp ý tại phiên thảo luận là quy định về việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5%. Theo ý kiến một số đại biểu, phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, việc đưa phân bón chịu thuế 5% có thể làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân.

Do vậy, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang), ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón, cũng như từ phía người nông dân. ĐBQH Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị đưa phân bón vào thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 0%.

Ở chiều ngược lại, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với hàng nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu ngân sách. Hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế. Đại biểu Trịnh Xuân An phân tích, giá phân bón tăng do các yếu tố đầu vào chứ không phải do tăng thuế như nhiều đại biểu lo ngại.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận, đây là vấn đề còn nhiều quan điểm, nhiều ý kiến. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá tác động lại một lần nữa trước khi trình Quốc hội ban hành vào cuối năm nay.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc áp dụng quy định này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Khi được hoàn thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để đổi mới công nghệ, hạ giá thành, phát triển bền vững hơn. Đối với người nông dân, theo ước tính, mức chi phí mỗi hộ nông dân phải trả thêm mỗi năm khoảng 461.000 đồng, tương đương 38.000 đồng mỗi tháng. Thực tế, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng hay giảm tác động chính bởi yếu tố cung cầu, mùa vụ. Giá sẽ tăng khi nguồn cung khan hiếm và ngược lại, giảm khi nguồn cung dồi dào.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRỊNH XUÂN AN (ĐOÀN ĐỒNG NAI): Hướng tới tăng thuế theo đúng chiến lược cải cách thuế

Thuế GTGT chiếm đến 25% số thu ngân sách, liên quan tới mọi đối tượng, nên cần phải có một sắc thuế thật sự trung lập, khách quan để xây dựng một nền tảng tài chính thật sự vững mạnh. Do đó, cần phải bình tĩnh để đánh giá thấu đáo về những vấn đề Chính phủ đề xuất.

Chính phủ đề xuất thuế GTGT 5% đối với các mặt hàng phân bón, mặt hàng liên quan nông nghiệp là có cơ sở và các chính sách này phải được đánh giá rất nhiều chiều để người dân có thông tin khách quan, toàn diện. Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 thì các mục tiêu đặt ra với thuế GTGT là phải tăng cơ sở thu thuế; thu hẹp diện không chịu thuế; hướng tới một thuế suất và tăng thuế suất. Tuy nhiên, đến nay các mục tiêu này chưa đạt được.

Do đó, về lâu dài cần tăng thuế suất thuế GTGT theo đúng xu hướng cải cách thuế, đúng vào bản chất của sắc thuế rất quan trọng này.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOÀNG THỊ THANH THÚY (ĐOÀN TÂY NINH): Đề nghị bỏ quy định miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ

Cần bỏ quy định về việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống. Bởi với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay, quy định này sẽ khiến ngân sách thất thu một khoản khá lớn, hơn nữa tạo điều kiện cho hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam. Với ước tính trung bình có khoảng 4 đến 5 triệu đơn hàng một ngày và mỗi đơn hàng chỉ có từ 100.000 đến 300.000 đồng, thì mỗi tháng giá trị hàng hóa qua cửa khẩu như vậy có thể lên đến 1,3 đến 1,9 tỷ USD, một con số không nhỏ.

Bên cạnh đó, quy định này cũng không đảm bảo công bằng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu. Bởi lẽ, hàng hóa trong nước khi sản xuất ra về nguyên tắc vẫn bị điều tiết bởi thuế GTGT, trong khi hàng hóa nhập khẩu lại không chịu loại thuế này trong giá bán.

Quy định này cũng không phù hợp với xu hướng của thế giới khi nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng xuất khẩu./.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luat-thue-gia-tri-gia-tang-sua-doi-hoan-thien-co-so-thu-gan-voi-co-cau-lai-thu-ngan-sach-153669.html