Thực thi mạnh mẽ các giải pháp Quốc hội đề ra

Nghị quyết số 68/2022/QH của Quốc hội nêu rõ 10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 'Phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra', Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh tại hội thảo 'Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023', ngày 14.12.

Tăng trưởng đồng đều

Tại hội thảo, PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết,đến cuối năm 2022 kinh tế đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất 11 tháng của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Đặc biệt, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 8%.

Đạt được kết quả trên có nhiều yếu tố, trong đó có ba lý do chính. Đó là Việt Nam đã kịp thời chuyển trạng thái chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Đồng thời, kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cuối cùng, các chỉ số tăng trưởng trên được đặt trong tương quan với mức nền khá thấp của năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Hùng vẫn dễ dàng nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)…

Các chuyên gia dự hội thảo cũng cho rằng nền kinh tế sẽ đối mặt với những thách thức mới trong năm tới. Với những biến đổi khó lường, doanh nghiệp phải nâng cao nội lực để ứng phó. Giai đoạn này vấn đề quan trọng nhất là tiếp cận chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh thuận lợi, một môi trường thể chế minh bạch, công bằng và an toàn...

“Năm 2023 phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 68/2022/QH của Quốc hội. Cần bám sát khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để sớm giải quyết, trong đó có vấn đề cơ chế, thể chế. Cần tập trung giải quyết vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công. Cùng với đó, cải thiện môi trường kinh doanh, quan tâm tới sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn, không đơn thuần là cải cách thủ tục hành chính”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Ngành xây dựng khó khăn sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế

Để gia cố nền kinh tế, ngành xây dựng (bao gồm công nghiệp vật liệu, thiết kế xây dựng, tài chính ngân hàng, vận chuyển, bảo hiểm...) được xác định là một trọng tâm.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải,ngành xây dựng đã đóng góp 1.938 tỷ đồng (tương đương 82 tỷ USD), chiếm trên 22% tổng sản lượng quốc gia. Ngành xây dựng phát triển sẽ tác động tích cực đến các ngành nghề khác và ngược lại nếu ngành này gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, thời gian qua, giá trị sản xuất ngành xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng. Bộ đã có nhiều nỗ lực thực thi nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý song lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập. Một số quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn, triển khai chưa đồng bộ giữa các loại và cấp độ quy hoạch dẫn tới việc triển khai chương trình, dự án còn chậm. Nguồn cung vật liệu phục vụ dự án, công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định. Thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, các thách thức còn kéo dài sang năm 2023, do đó cần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bất động sản an toàn, an sinh xã hội. Ông Khôi đề xuất Chính phủ giao tổ công tác địa phương, chính quyền địa phương phải thống kê được những khó khăn vướng mắc tại các dự án. Từ đó, báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để nhanh chóng “vào cuộc” tháo gỡ.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thuc-thi-manh-me-cac-giai-phap-quoc-hoi-de-ra-i311334/