Thực thi nghiêm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Từ năm 1947 đến 1961, Bác đã có 4 lần về thăm tỉnh Thanh Hóa. Mỗi lần Bác về thăm là mỗi lần Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa được Bác chỉ dẫn rành rọt đường hướng hành động thực tiễn cùng những việc làm cụ thể, thiết thực. Những lời căn dặn chứa chan tình cảm của Người đối với Thanh Hóa đã vượt ra khỏi phạm vi một địa phương với ý nghĩa quốc gia đại sự, có tầm chiến lược đối với cả nước.

Từ những lời căn dặn của Bác...

Trong kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên Bác về thăm xứ Thanh vào ngày 20.2.1947. Từ đêm trước, Bác đã xuất hành từ vùng núi xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (cũ) sang tỉnh Hòa Bình, rồi đi tiếp vào Thanh Hóa, đến nơi cũng là lúc hừng đông.

Chỉ trong một ngày nhưng Bác đã có nhiều cuộc gặp gỡ, nói chuyện thân tình với cán bộ, đồng bào ở nhiều địa điểm. Trong đó có cuộc nói chuyện với hơn 40 cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Rừng Thông (huyện Đông Sơn) lúc vừa sáng sớm và cuộc mít tinh của đồng bào thị xã Thanh Hóa đón chào Bác vào lúc cận hoàng hôn. Tại đây, nói chuyện với đồng bào, thân sĩ, trí thức, phú hào, Bác đã chỉ rõ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của xứ Thanh; cách thức tiến hành kháng chiến; nâng cao tinh thần đoàn kết thống nhất. Bác yêu cầu: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu". Khi đề cập đến tăng gia sản xuất, Bác chỉ dẫn: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn/ Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm..."(1).

Thanh Hóa khi ấy là một “tỉnh nông thôn”, thuần nông. Về cấu trúc địa hình cũng gần giống như cả nước, “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Vì thế xây dựng tỉnh kiểu mẫu cũng chính là tạo dựng một “tỉnh nông thôn mới” với phương pháp khởi đầu từ “điểm” nhân ra “diện”.

Từ ngày Bác căn dặn đến bây giờ, "tỉnh kiểu mẫu - tỉnh nông thôn mới" đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong toàn quốc. Xây dựng nông thônmới có điểm bắt đầu, nhưng không có điểm kết thúc (khi đạt được mục tiêu và các tiêu chí thì tiếp tục xây dựng “nông thôn mới nâng cao - nông thôn mới kiểu mẫu”).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, nói chuyện với công nhân nhà máy cơ khí Thanh Hóa. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, nói chuyện với công nhân nhà máy cơ khí Thanh Hóa. Ảnh: Tư liệu

Bác dạy: Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Lời Bác vừa là đường lối chiến lược, vừa là chỉ dẫn bước đi hợp lý, từ thấp lên cao. Và lời Người dạy đã trở thành mục tiêu thứ nhất trong nội hàm của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng ta đã khẳng định: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong 2 ngày 13 - 14.6.1957, Bác về thăm đất và người xứ Thanh lần thứ hai với nhiều hoạt động liên tiếp, dày đặc. Trong cuộc nói chuyện với gần 4 nghìn đại biểu nhân dân, Bác đã động viên đồng bào toàn tỉnh về thành tích tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp: Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó.

Trong nhiều công việc Bác căn dăn, có một việc vô cùng quan trọng, đó là: Đắp đê chống lụt bão phải kịp thời. Trước đó, Bác đã giảng giải: Thà đắp đê cao một tí, chuẩn bị nhà cửa trước, nếu không có bão lụt cũng không sao, nhưng nếu chủ quan không chuẩn bị thì thiệt hại lớn(2).

Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng mỗi năm cả nước thường phải chống chọi với hàng chục trận bão, riêng Thanh Hóa khoảng 6 - 7 trận quét qua mỗi mùa. Phòng, chống lụt bão đã trở thành công việc thường niên của Thanh Hóa và của cả nước. Lời Bác dạy càng nhân lên ý nghĩa của thời đại khi những năm gần đây do biến đổi khí hậu, tần suất các trận bão dày đặc hơn, sớm hơn với cường độ cuồng nộ hơn. Theo lời Bác, việc chuẩn bị phòng, chống lụt bão càng phải khẩn trương, chu đáo, đầy đủ và toàn diện hơn.

Từ 17 - 19.7.1960, Bác về thăm xứ Thanh lần thứ ba. Bác đã làm việc với Công an thị trấn Sầm Sơn, với Bí thư Tỉnh ủy, nói chuyện với bà con ngư dân xóm Vinh Sơn (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương), đi thăm một số gia đình ngư dân trong xã, thăm trại an dưỡng thương binh, trại an dưỡng của các cụ miền Nam tập kết, lên núi Trường Lệ thăm Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 bảo vệ bờ biển...

Sáng 19.7, Bác tới dự và nói chuyện với Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh lần thứ 6. Sau khi đánh giá tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh, Bác căn dặn 2 việc lớn, các xí nghiệp phải thi đua thiết thực, làm ra sản phẩm, nhanh, nhiều, tốt, rẻ và: Nhà máy phải giúp đỡ hợp tác xã cải tiến nông cụ và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa. Phải giúp đỡ có kế hoạch, từ đầu đến cuối, giúp cho có thủy có chung(3).

Quan hệ giữa xí nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp chính là một việc làm cụ thể trong đường lối chiến lược liên minh công nông mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra ngay từ khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Lúc nào, bao giờ, ở đâu Bác cũng quan tâm xem xét, chỉ đạo sự gắn kết của mối quan hệ này. Ngày nay, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp, nông thôn đã trở thành hướng đi tất yếu. Nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hiện đại, sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp lại cho doanh nghiệp, xuất khẩu và thỏa mãn nhu cầu xã hội, đem lại lợi ích hài hòa cho cả hai phía. Như vậy, liên minh công nông đã có bước phát triển mới, có cốt cách vật chất, vững chắc, thiết thực hơn.

Lần thứ tư về thăm Thanh Hóa, từ ngày 10 - 12.12.1961, Bác đã thăm xã Yên Trường, huyện Yên Định - nơi “đương kim” lá cờ đầu của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn tỉnh; thăm nhà máy cơ khí Thanh Hóa và hợp tác xã cơ khí Thành Công - lá cờ đầu của ngành tiểu thủ công nghiệp toàn miền Bắc và thăm nhiều nơi khác.

Trong buổi nói chuyện với 30 nghìn cán bộ, bộ đội và nhân dân tại sân vận động thị xã Thanh Hóa, Bác đã bắt nhịp cho hàng vạn người cùng hát vang bài ca “Kết đoàn”. Nghe Bác nói chuyện, ai ai cũng thấm thía những lời động viên ân cần, trân trọng cũng như những phê bình thiếu sót, khuyết điểm rất xác đáng mà Bác đã chỉ ra. Bác dạy rằng: Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì nhân dân ta phải nâng cao tinh thần làm chủ. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của người chủ: cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa(4).

Chuyến thăm lần này của Bác có ý nghĩa hết sức độc đáo. Bác thăm, làm việc với hợp tác xã nông nghiệp, thăm và làm việc với nhà máy cơ khí, hợp tác xã cơ khí; sự kiện này cắt nghĩa rằng, xây dựng một nước Việt Nam XHCN, nhất định phải “đi hai chân” - nông nghiệp và công nghiệp. Đó là đường lối chiến lược đã được Đảng ta xác định từ Đại hội III (tháng 9.1960).

... đến thực thi lời Bác dạy

Khi Bác vĩnh biệt chúng ta (2.9.1969), đất nước còn chiến tranh, hơn thế nữa đang là giai đoạn chiến tranh gay go, ác liệt nhất. Cả nước cùng chung lời thề, Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người(5).

Thanh Hóa đã góp một phần xứng đáng sức người, sức của vào việc thực hiện quyết tâm chiến lược này. Cả nghìn gia đình có từ 3 đến 5 con tòng quân. Toàn tỉnh đã huy động hơn 25 vạn thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, đảng viên ra chiến trường, với khí thế xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Trong 10 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, các Công ty vận tải thuyền nan, Công ty xe đạp thồ... đã vận chuyển hơn 15 triệu tấn súng đạn, quân trang, quân dụng... chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và phục vụ chiến đấu.

Trong các cuộc đọ sức quyết liệt trên các vùng trời, vùng biển và ở các “tọa độ lửa” (Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép...), các lực lượng vũ trang đã chiến đấu 10.158 trận, bắn rơi 376 máy bay Mỹ (có 3 máy bay B52), bắt sống 36 giặc lái; bắn cháy 56 tàu chiến, trong đó có 52 khu trục hạm... Các mạch máu giao thông, "4 đường ra, 3 đường vào", luôn được bảo đảm thông suốt trong bất kỳ tình huống nào...

Với sự đóng góp có hiệu quả đó, sau chiến tranh, Thanh Hóa có 25 đơn vị và 71 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 16 đơn vị và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Toàn tỉnh có 56.559 liệt sĩ, 32.146 thương binh và 4.635 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã tiên tiến Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã tiên tiến Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Tư liệu

Trong công cuộc xây dựng lại quê hương đất nước, Thanh Hóa đã khắc sâu trong tâm khảm, thấm nhuần lời căn dặn của Bác kính yêu, đã và đang thực hiện theo đúng “lộ trình” mà Bác đã chỉ dẫn, từng bước từ thấp lên cao. Khi mới bắt đầu công cuộc đổi mới cuối năm 1986 thì hơn 90% dân số trong tỉnh còn thuộc diện đói nghèo; đến năm 1995 đã giảm xuống còn 50,2%; năm 2010 tiếp tục giảm còn 14,85%.

Giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã huy động một nguồn lực lớn 16.513 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo. Mỗi năm trong giai đoạn này đã giảm trung bình 2,56% số hộ nghèo, đến năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,27%. Giai đoạn 2020 đến nay, mỗi năm giảm tiếp 1,4%. Thanh Hóa thuộc nhóm các tỉnh, thành giảm nghèo nhanh nhất cả nước.

Song song với chương trình giảm nghèo bền vững là đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 13 đơn vị cấp huyện, 376 xã và 950 thôn - bản đạt chuẩn nông thôn mới; số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên trên 67%. Trong đó có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 23 xã, 480 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng năm 2023 và quý I.2024, toàn tỉnh đã có thêm một đơn vị cấp huyện, 17 xã, 17 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã và 173 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 187 sản phẩm được công nhận là OCOP. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từng giai đoạn đã có những bước chuyển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

Nổi bật nhất là kinh tế, tốc độ tăng trưởng năm 2023 đạt 7,1%; quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt gần 280 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015 (đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành có quy mô nền kinh tế lớn). GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.067 USD, gấp hơn 2 lần so với năm 2015... Kinh tế phát triển với hiệu quả cao là điều kiện vật chất để cải thiện đời sống người dân.

Những nơi Bác Hồ về thăm đã có sự biến đổi sâu sắc. Rừng Thông - nơi Bác dừng chân trong lần thăm thứ nhất, cùng với Sầm Sơn đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh. Hợp tác xã Yên Trường - nơi Bác về thăm năm 1961, lúc đó Yên Trường là “đương kim” lá cờ đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh, nay toàn huyện Yên Định đang là lá cờ đầu sản xuất hạt giống F1, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành nhiều vùng chuyên canh...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Thanh Hóa đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi trọn vẹn tất cả các mục tiêu, các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 để trở thành một tỉnh khá, vững mạnh và phấn đấu vươn lên là một tỉnh kiểu mẫu như lời dạy của Bác kính yêu.

___________

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập (xuất bản lần thứ nhất), Nxb ST Hà Nội 1984, Tập 4, tr. 65

(2) Như (1), Tập 8, trang 405.

(3) Như (1) và (2), Tập 10, trang 182.

(4) Như (3), Tập 10, trang 484, 485.

(5) Trích Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Bác Hồ ngày 9.9.1969.

(6) Số liệu của Báo điện tử Thanh Hóa.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/thuc-thi-nghiem-loi-can-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-i386924/