Thực thi pháp luật 'có vấn đề'

Đó là nhận định của ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An). Đại biểu cho rằng, những ách tắc, chậm trễ, tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện được chỉ ra nguyên nhân đầu tiên là do hệ thống pháp luật hiện nay còn chồng chéo, bất cập.

Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng nay về tình hình kinh tế xã hội, nhiều ý kiến đánh giá cao về những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong những tháng đầu năm nhưng đồng thời cũng nêu lên nhiều lo ngại về những hạn chế, tồn tại.

Nhiều đại biểu cho rằng, những hạn chế trong thực thi pháp luật đã gây nên những ách tách, chậm trễ, tồn tại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, “những bất cập, chồng chéo đó là ở đâu, như thế nào thì hiện chưa được các cơ quan chức năng chỉ rõ. Việc điều chỉnh, sửa đổi như thế nào để tháo gỡ kịp thời cũng chưa được quan tâm đúng mức” - đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nói.

Thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế

Thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế

Cùng nêu về vấn đề trên, đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) cho rằng, việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống còn có hạn chế, tồn tại. “Có thể nói đây vừa là hạn chế, tồn tại nhưng cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành đến phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội” - đại biểu nêu rõ.

Đồng thời, vị đại biểu tỉnh Phú Yên cũng cho biết thêm, nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Hệ thống luật còn chồng chéo, không ít nội dung còn mâu thuẫn, xung đột, thiếu tính thống nhất giữa các luật, giữa các điều trong một luật; chất lượng các văn bản pháp luật ban hành chưa cao.

Về nguyên tắc, luật được ban hành là có thể áp dụng được nhưng thực tế luật của chúng ta phải có nghị định và thông tư mới thực hiện được nên còn chậm, chưa nói đến việc nếu văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu, vận dụng khác nhau chưa nói bị lợi dụng và lách luật.

Thực tế có việc như khi báo cáo, trình một vụ việc thì các cơ quan chức năng trích dẫn các điều trong văn bản quy phạm pháp luật để cấp thẩm quyền xem xét và quyết định nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến thì chiếu vào các văn bản, điều khoản đó thì lại kết luận là không đúng. Nhiều khi cấp dưới có khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, vận dụng văn bản pháp luật xin ý kiến thì cấp trên trả lời chung chung, nước đôi như cơ bản thống nhất với đề xuất, kiến nghị nhưng đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu loại trừ yếu tố cố tình vận dụng, lợi dụng để lách luật thì còn vấn đề chính là chất lượng, sự đồng bộ thống nhất của các văn bản quy phạm phạm pháp luật.

Từ thực tế này, đại biểu Hoàng Văn Trà kiến nghị, trong định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2020, Quốc hội, Chính phủ cần tập trung đầu tư hơn cả về nhân lực và vật lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng làm luật, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Cũng cần có quy định rõ và cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Chính phủ phải có giải pháp hữu hiệu, khả thi để xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ, thu hút được những người có bản lĩnh, trí tuệ, có tâm, có tầm vào khu vực công; có cơ chế chính sách, khung pháp lý để những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được trọng dụng và có môi trường tốt để hoạt động, sáng tạo và yên tâm làm việc, cống hiến” - đại biểu nhấn mạnh.

Minh Lê

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuc-thi-phap-luat-co-van-de-553990.html