Thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Chỉ ra những khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, các sở, ngành đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn TP HCM

Ngày 24-5, HĐND TP HCM giám sát việc thực hiện đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH).

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Sở Y tế, năm 2023 chỉ mới giải ngân được 5% vốn đầu tư công. Nguyên nhân do thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài; nhiều gói thầu thiết bị y tế có giá trị lớn, hàng hóa phức tạp; một số gói thầu không có nhà thầu tham dự hoặc không đạt yêu cầu dẫn đến hủy thầu. Bên cạnh đó, các đơn vị còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định mới về đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, khó khăn trong công tác tổ chức nên việc triển khai còn chậm...

Trong khi đó, Sở GD-ĐT cho biết đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho 116 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục. Đến nay, đơn vị đã gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định 62 dự án. Theo Sở GD-ĐT, khi lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nhóm dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới thay thế các công trình trường học hiện hữu gặp khó khăn khi áp dụng chỉ tiêu định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh theo Thông tư 13/2020. Việc này làm giảm quy mô học sinh hiện tại ở các trường dẫn đến không bảo đảm chỗ học, khó khăn trong phát triển mạng lưới trường lớp, phòng học ở các cấp hiện nay, nhất là các khu vực nội thành. Do đó, Sở GD-ĐT kiến nghị tháo gỡ việc áp dụng định mức diện tích bình quân tối thiểu/học sinh cho các nhóm dự án nhằm phù hợp với đặc thù của thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải (thứ hai, từ trái qua) giám sát, kiểm tra thực tế tại dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải (thứ hai, từ trái qua) giám sát, kiểm tra thực tế tại dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Sở LĐ-TB-XH kiến nghị UBND thành phố xem xét, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách đề xuất chuyển các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có chủ trương đầu tư sang 2021-2025.

Bởi hiện nay, trang thiết bị, máy móc, phương tiện dạy học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và 8 cơ sở giáo dục có dự án đầu tư nói riêng còn lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu các chương trình đào tạo trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Lâm cho rằng việc tiếp tục đầu tư cho các dự án trên là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP HCM.

Đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng

Cùng ngày, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng tiếp tục chủ trì buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT).

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, thông tin 4 dự án do sở này làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án đầu tư Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường được HĐND TP HCM quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2015. Công trình gồm khối văn phòng và các trạm quan trắc, tổng vốn đầu tư 78 tỉ đồng. Đến nay, 4 trạm quan trắc đã hoàn tất, dự kiến tháng 10-2023 hoàn thành khối văn phòng. Dự án đã giải ngân 56/78 tỉ đồng.

Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu liên hợp Đa Phước, huyện Bình Chánh (quy mô 258 ha), số vốn bố trí 407 tỉ đồng, hiện đã giải ngân tiền bồi thường cho các hộ dân được 325 tỉ đồng (đạt 80%). Sở TN-MT đang phối hợp huyện Bình Chánh giải quyết các vướng mắc để giải ngân toàn bộ số tiền.

Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất 97 ha, phường Long Bình, TP Thủ Đức, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, được bố trí 411 tỉ đồng và đã giải ngân hết. Sở đang phối hợp TP Thủ Đức để xác định tính khả thi bồi thường đối với phần còn lại. Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỉ lệ 1/2.000, 1/5.000 khu vực TP HCM, đã giải ngân hết 48 tỉ đồng được bố trí và đang phối hợp đơn vị liên quan triển khai phần còn lại.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng thông tin một số dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chủ đầu tư chậm ký hợp đồng với các địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có trường hợp chậm đến 3, 4 năm.

Điển hình là dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi (quận 8, huyện Bình Chánh; huyện Nhà Bè) được phê duyệt từ năm 2017 nhưng đến năm 2020-2021 chủ đầu tư mới ký hợp đồng với Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận, huyện thực hiện dự án. TP Thủ Đức, quận 7, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh có nhiều dự án, quy mô dự án lớn, số lượng hộ bị ảnh hưởng khá nhiều.

Tuy dự án đã được UBND TP HCM ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng hiện vẫn chưa thực hiện xong việc chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong toàn dự án.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho hay năm 2022, TP HCM có 197 dự án được ghi vốn bồi thường với tổng số vốn gần 12.100 tỉ đồng, kết quả giải ngân đạt 9.746 tỉ đồng (đạt 80%), thực chi được 7.365 tỉ đồng (hơn 60%) là thấp. Lấy ví dụ Sở QH-KT có 1 dự án đầu tư công kéo dài nhiều năm, đội vốn lên 4,9 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị sớm hoàn thành thủ tục kết thúc dự án.

Ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị 2 sở thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ngành chuyên môn khi thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công.

Sở TN-MT chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ danh mục các dự án cần phải thu hồi đất trong năm sau để kịp trình HĐND TP HCM xem xét thông qua vào cuối năm, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện công tác thu hồi đất thuận lợi.

Đặc biệt, tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân trong bồi thường, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống người dân.

Khẩn trương hoàn thành dự án Quốc lộ 50

Trong ngày 24-5, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải và lãnh đạo các ban, ngành thành phố đã có buổi giám sát, kiểm tra thực tế tại dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh do Ban Quản lý (BQL) đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 có chiều dài khoảng 6,92 km, tổng mức đầu tư hơn 1.498 tỉ đồng. Hiện UBND huyện Bình Chánh đã giao 260/598 vị trí. Khó khăn hiện nay là chưa được bàn giao đủ mặt bằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Từ đó, ông Lương Minh Phúc kiến nghị UBND huyện Bình Chánh sớm xử lý dứt điểm các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng thuộc dự án trước ngày 31-5; sớm bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 30-6. Chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện nhanh chóng triển khai các thủ tục để thực hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật hoàn thành việc di dời trước ngày 30-8-2023.

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài cho biết tổng số hộ, tổ chức bị ảnh hưởng là 725 hộ. Đến nay, số hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ là 597/725 hộ, với số tiền hơn 558 tỉ đồng, đạt 96,68 % kế hoạch vốn.

Số hộ bàn giao mặt bằng là 607/725 hộ, diện tích 237.357,8 m2, đạt 90%. Về bố trí tái định cư, đến nay đã ban hành quyết định bố trí 15 trường hợp đủ điều kiện.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh để dự án bảo đảm đúng tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024, UBND huyện Bình Chánh phải chỉ đạo các xã tăng cường quản lý về đất đai, trật tự xây dựng; tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cùng chia sẻ để dự án sớm hoàn thành.

Ngoài ra, các đơn vị cần tiến hành các thủ tục cần thiết để các gói thầu được triển khai đồng bộ. Cần tập trung giải quyết khiếu nại của người dân và doanh nghiệp, làm sao để bảo đảm lợi ích hài hòa của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tr.Hoàng

Phan Anh - Quốc Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thuc-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-20230524212830043.htm