THỨC TỈNH NIỀM TIN HƯỚNG THIỆN

'Duy trì, củng cố phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, đọc sách báo, thể dục, thể thao... trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng để góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và cảm hóa, giáo dục phạm nhân, trại viên', là một trong những nội dung đáng chú ý trong chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Công an giai đoạn 2020-2025, vừa được ban hành.

Khi nói đến phạm nhân, nhiều người thường có thái độ kỳ thị, xa lánh họ. Sự e ngại đó là không nên, bởi không phải ai vào trại giam cũng hoàn toàn xấu. Chỉ loại trừ một số phạm nhân gây ra tội lỗi đặc biệt nghiêm trọng phải trừng trị thích đáng, thì nhiều người sa chân vào vòng lao lý đều ít nhiều vẫn còn lương tri ẩn sâu trong lòng.

Với mong muốn khơi dậy, thức tỉnh những người không may lầm lỡ hướng về ngày mai tươi đẹp, những năm gần đây, các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã có nhiều việc làm ý nghĩa. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhiều cuộc thi như “Viết thư gửi lời xin lỗi”, “Kể chuyện theo sách”, “Viết cảm nhận về sách”... được tổ chức ở các cơ sở trại giam đã thu hút khá đông những người từng lầm lỡ hưởng ứng tích cực.

 Phạm nhân đọc sách trong trại giam. Ảnh minh họa: Báo Dân trí.

Phạm nhân đọc sách trong trại giam. Ảnh minh họa: Báo Dân trí.

Sau thời gian tham gia lao động cải tạo, giáo dục bắt buộc, học tập pháp luật, chính những lá thư tự mình bộc bạch nỗi niềm, bày tỏ ước mơ, hay những cuốn sách được ví như là cách “cứu rỗi tâm hồn” cho các phạm nhân trong lúc phải sống tách biệt với gia đình và xã hội. Có thể nhiều phạm nhân viết thư chưa nuột nà, kể chuyện theo sách chưa hay, viết cảm nhận về sách chưa tinh tế, song khi tham gia cuộc thi này là cơ hội để họ tự thức tỉnh lương tri, giúp những phận đời hao khuyết có thêm ý chí, nghị lực tiến về phía trước.

Một trong những cuốn sách được nhiều phạm nhân tìm đọc, kể lại, cảm nhận và chia sẻ là cuốn “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành. Thông qua những tự truyện cảm động do chính phạm nhân viết ra, những người đồng cảnh ngộ thêm một lần thấu hiểu về tội lỗi mình gây ra, từ đó tự “dằn vặt, chất vấn” lương tâm để củng cố nhận thức làm lại cuộc đời. Thực tế đã có những phạm nhân thời gian đầu vào trại cải tạo rất dao động, hoang mang, song nhờ sự giáo dục, cảm hóa của đội ngũ cán bộ trại giam và nhờ cả những trang sách giàu ý nghĩa nhân văn đã khiến họ lay động tâm can, từ đó từng bước thay đổi thái độ, hành vi theo hướng tích cực, tiến bộ.

Trong mỗi con người, hầu như ai cũng có tính tốt-tính xấu, ưu điểm-khuyết điểm. Đối với các phạm nhân, có thể “phần xấu, phần khuyết” nhiều hơn người bình thường, nhưng trong sâu thẳm họ vẫn còn “tính người”. Để góp phần nhân lên “tính người” trong họ, bên cạnh các biện pháp quản lý, giáo dục hành chính bắt buộc, việc khai thác, phát huy ưu thế, sức mạnh tiềm tàng và chiều sâu nhân văn từ các tác phẩm nghệ thuật và các ấn phẩm văn hóa đọc, là một giải pháp mang tính thuyết phục, cảm hóa sâu sắc, tinh tế.

Các phạm nhân có thể bị tước quyền tự do của công dân trong một thời gian nhất định, song họ vẫn còn nhiều quyền con người, trong đó có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó-như Hiến pháp năm 2013 đã hiến định. Vì vậy, nhìn trên phương diện văn hóa, việc các cơ sở trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho những người lầm lỡ, là minh chứng sinh động của việc thực hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đó là luôn tôn trọng, bảo đảm quyền con người.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/thuc-tinh-niem-tin-huong-thien-635567