Thực trạng các nền tảng công nghệ lớn trốn thuế tràn lan tại Hàn Quốc

Google và các nền tảng khác như Facebook và Netflix đang bị chỉ trích vì khai báo doanh thu trong nước không đầy đủ và nộp thuế tối thiểu.

 Google đang bị chỉ trích vì khai báo doanh thu trong nước không đầy đủ và nộp thuế tối thiểu. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Google đang bị chỉ trích vì khai báo doanh thu trong nước không đầy đủ và nộp thuế tối thiểu. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, năm 2023, chi nhánh Google tại Hàn Quốc đã báo cáo doanh thu 365,3 tỷ won (272 triệu USD) từ các dịch vụ như kênh chia sẻ video YouTube, mạng tìm kiếm Google, các hợp đồng quảng cáo. Công ty cũng đã nộp 15,5 tỷ won tiền thuế doanh nghiệp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, tại hội thảo diễn ra ngày 4/9, Hiệp hội Quản lý tài chính Hàn Quốc (KFMA) ước tính rằng doanh thu thực tế của Google tại nước này có thể lên đến 12.135 tỷ won, theo đó nghĩa vụ thuế mà công ty phải thực hiện là 518 tỷ won, dựa trên doanh thu từ mảng quảng cáo trên mạng tìm kiếm Google, trên YouTube và giao dịch trên thị trường ứng dụng.

Bên cạnh đó, so với các công ty trong nước có quy mô tương tự, khoản thuế doanh nghiệp 15,5 tỷ won mà Google Hàn Quốc nộp có vẻ thấp hơn nhiều. Ví dụ, Naver, công ty cũng cung cấp dịch vụ tìm kiếm và video, đã báo cáo doanh thu là 9.670 tỷ won và nộp 496,3 tỷ won tiền thuế.

Mặc dù doanh thu ước tính của Google Hàn Quốc cao hơn Naver 2.500 tỷ won, nhưng khoản thuế mà công ty này nộp chỉ bằng khoảng 3% số tiền Naver đã nộp. Chủ tịch KFMA Gang Hyung Gu, giáo sư tại Trường Kinh doanh của Đại học Hanyang, nhận xét: "Các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ ở Hàn Quốc, nhưng khoản thuế mà họ nộp chỉ ngang bằng với các doanh nghiệp nhỏ".

Google Hàn Quốc vẫn chưa chính thức giải quyết các cáo buộc về việc khai báo doanh thu và thuế không đầy đủ. Những người trong ngành tin rằng phần lớn doanh thu trong nước của công ty được chuyển qua chi nhánh Singapore, nơi thuế suất doanh nghiệp là 17%, thấp hơn so với mức 24% của Hàn Quốc áp dụng với doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế trên 3 tỷ won.

Mặc dù việc lựa chọn địa điểm đặt trụ sở công ty dựa trên các tính toán về mức thuế khá phổ biến, nhưng dường như các công ty công nghệ lớn đang lạm dụng cách làm này, thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết thực trạng kể trên.

Google Hàn Quốc được cho là tránh thuế doanh nghiệp bằng cách kê khai trụ sở ở nước ngoài, nên không có cơ sở để đánh thuế và không báo cáo doanh thu liên quan trong nước, với lý do là các máy chủ hỗ trợ dịch vụ triển khai tại Hàn Quốc được đặt tại Singapore, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Lập luận là mặc dù YouTube có 46 triệu người dùng tại Hàn Quốc, nhưng dịch vụ này được cung cấp bởi các thực thể ở nước ngoài. Các chuyên gia ước tính doanh thu đăng ký của YouTube chỉ riêng tại Hàn Quốc là 1.140 tỷ won, cộng với với doanh thu ước tính là 3.840 tỷ won từ quảng cáo trên mạng tìm kiếm, quảng cáo trên YouTube, Google Play và Google Cloud, tổng doanh thu của công ty tại Hàn Quốc lên đến hơn 12.000 tỷ won.

Không chỉ Google mà các nền tảng khác như Facebook và Netflix cũng bị chỉ trích vì khai báo doanh thu trong nước không đầy đủ và nộp thuế tối thiểu.

Tại Hàn Quốc, Facebook đã báo cáo doanh thu là 65,1 tỷ won trong năm 2023, nhưng các chuyên gia ước tính con số này có thể lên tới 1.193 tỷ won. Netflix Hàn Quốc cũng báo cáo doanh thu là 823,3 tỷ won trong khi được ước tính có thể lên tới 2.053 tỷ won. Các công ty này đã nộp lần lượt là 5,1 tỷ won và 3,6 tỷ won tiền thuế doanh nghiệp.

Giáo sư Chung Joon Hyung từ Trường Luật, Đại học Quốc gia Seoul cho rằng để khắc phục tình trạng thiếu công bằng giữa các công ty công nghệ nước ngoài và các công ty trong nước trong thực hiện nghĩa vụ thuế, cần phải thiết lập một trật tự kinh tế và thuế công bằng.

Trần Quang (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-trang-cac-nen-tang-cong-nghe-lon-tron-thue-tran-lan-tai-han-quoc/345834.html