Thực trạng của ngành công nghệ bán dẫn ASEAN
Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành địa điểm rất hấp dẫn đối với các công ty sản xuất chất bán dẫn (chip) ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Theo chuyên gia công nghệ Loh Peixin thuộc Đại học Mở Wawasan Penang (Malaysia), các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam đều có tham vọng và tiềm năng để trở thành trung tâm công nghệ hoặc chất bán dẫn lớn.
Với dân số lớn 280 triệu người và tham vọng chuyển đổi kỹ thuật số để đất nước trở thành tốp 10 nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, Indonesia có các nguồn tài nguyên quan trọng như silica, năng lượng, nước và các khoáng chất quan trọng như nickel.
Hiện có 21 công ty chế biến và silica đang hoạt động trong nước, với các nhà sản xuất tấm wafer silicon hàng đầu như Shin-Etsu, Sumco - công ty con của Mitsubishi và Gstar đều đang tham gia đầu tư ở Indonesia.
Chiếm 52% nguồn cung của thế giới, dự trữ nickel của nước này là điểm thu hút chính đối với chuỗi giá trị pin trong ngành công nghiệp xe điện. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như Toyota, Mitsubishi, Foxconn, Ford và Hyundai, cũng như các công ty xe điện Trung Quốc đang đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Indonesia.
Trong khi đó, hệ sinh thái thiết kế chip của Việt Nam đã thu hút hơn 30 công ty nước ngoài như Marvell, Synopsys và Cadence thành lập các trung tâm thiết kế và nghiên cứu. Việt Nam cũng có nền tảng kỹ năng kỹ thuật vững mạnh và đang nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp.
Với Malaysia, năm 1972, Khu công nghiệp Bayan Lepas ở bang Penang có 8 công ty lắp ráp và thử nghiệm nước ngoài tiên phong. Malaysia hiện tham gia vào 3 giai đoạn chính của quy trình sản xuất chip nhưng tập trung nhiều vào các nhà sản xuất lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn và thiết bị kiểm tra tự động (ATE).
Hiện nay, cụm Penang có 350 tập đoàn đa quốc gia (MNC) và 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang tham gia vào lĩnh vực thiết bị bán dẫn. Xuyên suốt chuỗi mạng phức tạp là 4 phân khúc giá trị gia tăng của chip: Vật liệu và công cụ; sở hữu trí tuệ (IP) và thiết kế; chế tạo và lắp ráp chip; kiểm tra và đóng gói.
Năm 2022, các giáo sư Hàn Quốc là Jinhee Kim và Keun Lee đã có nhiều nghiên cứu so sánh các mô hình hệ sinh thái công nghệ Đài Bắc, Thâm Quyến và Penang. Trong đó, Penang đã đi sớm hơn nhiều trong việc thành lập các nhà máy bán dẫn, sử dụng các công ty nước ngoài về công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế và quản lý.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng dựa vào các MNC về đầu vào công nghệ nhưng đã thành lập Khu khoa học Hsinchu Đài Loan năm 1980 để thúc đẩy các công ty công nghệ trong nước như Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đã trở thành công ty hàng đầu thế giới về chip bán dẫn tiên tiến.
Tham vọng công nghệ của Thâm Quyến xuất hiện muộn hơn vào khoảng năm 2000 với mục tiêu phát triển các hãng lớn trong nước.
Chuyên gia Loh Peixin đánh giá rằng mỗi cụm công nghệ đều bắt đầu bằng việc học hỏi với tư cách là nhà sản xuất thiết bị gốc, tức là lắp ráp sản phẩm dựa trên thiết kế và thông số kỹ thuật do các công ty nước ngoài cung cấp.
Sau đó, Đài Bắc và Thâm Quyến bắt đầu áp dụng và điều chỉnh kiến thức nước ngoài để phù hợp với bối cảnh địa phương, cho phép các công ty địa phương tạo ra kiến thức riêng thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D) và nộp bằng sáng chế, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để tăng cường nền tảng giáo dục và hợp tác.
Các công ty trong nước này đã nâng cấp để trở thành nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM) hoặc nhà sản xuất có thương hiệu riêng, học cách nâng cao kỹ năng và hiệu quả bằng cách thu hút các nhà cung cấp nước ngoài và địa phương trong chuỗi cung ứng khu vực, khai thác các nhà cung cấp hiệu quả và đáng tin cậy nhất để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh đẳng cấp thế giới.
Theo chuyên gia này, các trung tâm công nghệ ở Trung Quốc Đại lục như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến không thể thành công nếu không có các kỹ sư Đài Loan và kinh nghiệm sản xuất cho Apple cũng như các thương hiệu công nghệ toàn cầu khác. Đài Bắc và Thâm Quyến đang dần dần tạo ra các công ty bản địa nhưng mô hình Penang lại liên tục dựa vào các MNC.
Mặc dù mô hình trước đây có thể khó thực hiện hơn nhưng đã mang lại khả năng bắt kịp nhanh hơn so với phương thức bắt kịp chậm của Penang. Về mặt thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương, Đài Bắc và Thâm Quyến đã tích cực hơn về mức độ can thiệp của nhà nước so với Penang.
Trong khi hai thành phố có sự can thiệp trực tiếp của khu vực công vào các dự án R&D cụ thể để giúp đỡ các doanh nghiệp bản địa thì khu vực công ở Penang lại tập trung vào phát triển nguồn nhân lực cho lực lượng lao động được thuê trong các MNC.
Dựa trên Trung tâm an ninh và công nghệ mới nổi, các phân khúc chip, hoạt động tính toán, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói có giá trị gia tăng chưa đến 15% tổng giá trị để sản xuất một con chip. Mặc dù Malaysia đóng gói 23% chip của Mỹ, nhưng trình độ kỹ năng ở nước này vẫn chưa chuyển dịch đáng kể lên công nghệ tiên tiến cường độ cao. Nhìn chung, việc phát triển công nghệ đẳng cấp thế giới trong nước của Malaysia vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Chuyên gia Loh Peixin cho rằng các quốc gia ASEAN chắc chắn sẽ khai thác lợi thế so sánh riêng để tìm ra vị trí cạnh tranh trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa sự hỗ trợ các MNC và thúc đẩy các công ty khởi nghiệp địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cấp kỹ năng R&D, và lực lượng lao động sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công của mỗi hệ sinh thái.
Ông nhận định Malaysia đã thiết lập quyền sở hữu địa phương trong thiết kế, chế tạo chip và ATE để hỗ trợ các công ty lớn như ODM nhưng số lượng công ty khởi nghiệp địa phương không đủ để tạo ra sự cạnh tranh ở thị trường nội địa.
Cạnh tranh kích thích sự đổi mới, có thể đưa đến quy mô và phạm vi sản xuất, mang lại lợi thế về chi phí và cuối cùng tạo điều kiện thống trị ở phân khúc thấp và trung bình của chuỗi cung ứng công nghệ. Điều quan trọng là phải nhanh chóng phát triển Hệ thống đổi mới quốc gia có thể phát triển thành Hệ thống đổi mới khu vực.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-trang-cua-nganh-cong-nghe-ban-dan-asean/339799.html