Thực trạng đường cao tốc Việt Nam- Kỳ 4: Làm gì để có mạng lưới cao tốc hiện đại, văn minh?
Cùng với nỗ lực xây dựng trục cao tốc Bắc - Nam hiện đại nhằm phát triển kinh tế - xã hội, một trong những yêu cầu đặt ra là phải làm gì để việc lưu thông được an toàn, thuận lợi và văn minh.
Giải quyết những bất cập
Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có trên 2.000 km đường cao tốc đưa vào khai thác. Những địa phương có đường cao tốc đi qua đã "thay da, đổi thịt" nhờ việc đi lại thuận tiện, thời gian di chuyển rút ngắn.
Ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Khu Quản lý Đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, để giải quyết về tổ chức giao thông trên tuyến Cam Lộ - La Sơn, Khu đã phối hợp với chủ đầu tư (Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh) và Cục CSGT (C08) (Bộ Công an), các ban, ngành, địa phương hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thành lập các đoàn kiểm tra hiện trường, đề xuất các giải pháp tổ chức giao thông nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông trên tuyến. Đến nay, trên cơ sở ý kiến của các đoàn kiểm tra liên ngành, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan triển khai điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ để tăng cường cảnh báo, chỉ dẫn cho người và các phương tiện lưu thông trên tuyến.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, với việc thông xe nhiều tuyến cao tốc như hiện nay đã góp phần kéo giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cần khắc phục những bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông như Chính phủ sớm bố trí vốn để mở rộng các đoạn cao tốc hai làn. Khi làm được điều này sẽ có một hệ thống đường cao tốc đồng bộ, giảm thiểu tối đa quy định có nhiều tốc độ trên một trục cao tốc. Đặc biệt, khi Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua quy định rõ về xây dựng đường cao tốc với đầy đủ các công trình đi kèm như trạm dừng nghỉ, hệ thống ITS, công tác cứu hộ, cứu nạn trên cao tốc.
Đồng quan điểm, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với chủ trương đầu tư cao tốc mà chúng ta đang thực hiện trong bối cảnh vốn đầu tư còn eo hẹp, vẫn đan xen cao tốc hai làn ở những đoạn tuyến có lưu lượng ít dẫn đến xảy ra những bất cập về tổ chức giao thông cũng như ATGT. Ngoài việc đẩy mạnh đầu tư mở rộng các đoạn tuyến còn tồn tại về hạ tầng như trên còn đòi hỏi người tham gia giao thông cần nắm chắc Luật Giao thông đường bộ, các quy tắc giao thông, đặc biệt là việc lưu thông trên cao tốc. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cần bổ sung thực hành trên cao tốc và những vấn đề xử lý sự cố đối với lái xe khi lưu thông trên "địa hình đặc biệt" này.
Xây dựng văn hóa lưu thông trên cao tốc
Lái xe Hồ Minh Giang, Công ty Vận tải Đa phương thức Việt Phương cho biết thực tế hiện nay nhiều lái xe mới lần đầu lưu thông trên cao tốc. Tốc độ tối đa cho phép khi lưu thông trên cao tốc lên tới 120 km/h hoặc 100 km/h nhưng nhiều lái xe ô tô con chạy với tốc độ 80 km/h hoặc 90 km/h; xe phía sau xin vượt, bấm còi, nháy đèn pha nhưng các lái xe đi phía trước không đi vào làn trong, gây khó chịu cho người tham gia giao thông.
"Có trường hợp lái xe buồn ngủ (điều khiển xe loạng choạng) nhưng cũng không biết phải tấp xe vào làn khẩn cấp mà vẫn tiếp tục lưu thông làm tăng nguy cơ gây TNGT cho chính mình và những người khác, phương tiện khác", anh Giang chia sẻ.
Một ví dụ điển hình cho sự thiếu ý thức và hiểu biết pháp luật khi lưu thông trên cao tốc là khoảng 9h ngày 11/7, ô tô 16 chỗ chở 11 người chạy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khi tới thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), xe này đâm vào đuôi xe bán tải chở 3 người và dừng lại ở làn 120 km/h, sát dải phân cách giữa. Thay vì đặt cảnh báo cho các phương tiện khác rồi di chuyển vào làn khẩn cấp và chờ cơ quan chức năng điều tra, giải quyết thì tài xế ô tô 16 chỗ Quách Văn Lâm (35 tuổi, trú tại tỉnh Hòa Bình) và 2 người đi trên xe bán tải là anh Trịnh Tuấn Anh (34 tuổi, trú tại tỉnh Thanh Hóa) và Lê Ngọc Hùng (36 tuổi, trú tại tỉnh Nghệ An) xuống đường tranh cãi về sự cố. Đúng lúc đó, tài xế Trần Ngọc Thế (28 tuổi, trú tại tỉnh Thái Bình) lái xe ô tô 7 chỗ BKS 30K-757.00 lao tới đâm trúng 3 người nói trên. Xe 7 chỗ còn đâm vào hông ô tô 16 chỗ rồi xoay ngang giữa đường. Tài xế và người đi cùng mắc kẹt trên xe. Hậu quả, tài xế Lâm và anh Tuấn Anh tử vong tại chỗ, hơn 10 người khác trên 3 xe bị thương. Thời điểm xảy ra tai nạn, mặt đường khô, biển báo, hộ lan đầy đủ; tài xế xe bán tải không vi phạm nồng độ cồn; cả 3 phương tiện còn hạn kiểm định.
Được biết, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35 m với 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp. Phương tiện được chạy tối đa 120 km/h, tối thiểu 60 km/h. Đây là một trong những tuyến cao tốc hiện đại và đẹp nhất Việt Nam.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra đường bộ cao tốc số 3, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hiện nay một số lái xe lưu thông trên cao tốc không có kỹ năng để phòng, chống tai nạn và lái xe rất ẩu, không tuân thủ quy định làn đường, tốc độ, đi trên cao tốc cứ như đi ở đường quê...
Nêu dẫn chứng, Thượng tá Thắng chia sẻ, mới đây, từ hệ thống giám sát phát hiện một trường hợp tài xế dừng xe giữa cao tốc để... đi vệ sinh. Hành vi này tưởng là bình thường nhưng rất nguy hiểm cho bản thân lái xe và nhiều phương tiện khác đang tham gia giao thông với tốc độ 80 - 120 km/h. Vì vậy, cần có quy định cụ thể trong đào tạo lái xe về văn hóa lái xe trên cao tốc như: Ra, vào tuyến cao tốc như thế nào, di chuyển trên cao tốc, gặp sự cố thì xử lý ra sao?... Qua thống kê, đa số những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng là do đỗ xe trên cao tốc và lái xe không được trang bị kiến thức, kỹ năng để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên cao tốc.
Cũng theo Thượng tá Thắng, phải có phương án mang tính chất tổng thể, từ gốc thay vì xử lý phần ngọn. Hiện nay, lực lượng CSGT thường xuyên tuần lưu để nhắc nhở, cảnh báo hoặc xử lý những trường hợp đỗ xe trên cao tốc, chạy quá tốc độ, đón, trả khách tùy tiện.
Theo Tiến sĩ tâm lý Phạm Hương Trà, văn hóa giao thông hình thành từ thói quen, chúng ta quá quen với "phố nhỏ, ngõ nhỏ", đường làng, ngõ xóm... Do đó, kể cả khi hệ thống cao tốc ở Việt Nam hình thành hơn 10 năm nay, phương tiện hiện đại hơn nhưng khi tham gia giao thông, nhiều người vẫn giữ thói quen, cách ứng xử cũ, tùy tiện, từ đó làm tăng nguy cơ mất ATGT. Do đó, để hình thành văn hóa giao thông, đặc biệt là văn hóa giao thông trên cao tốc cần có thời gian để người tham gia giao thông nhận thức và chuyển biến thành hành động, thành thói quen.
Cũng theo Tiến sĩ Phạm Hương Trà, việc hình thành văn hóa giao thông đòi hỏi cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng lái xe đến người tham gia giao thông; tăng cường giám sát thực thi pháp luật, ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, xử lý nghiêm minh, tạo điểm nhấn... Có như vậy, ngoài kiến thức người tham gia giao thông tiếp thu được từ cơ sở đào tạo, kiến thức thực tế và tính nghiêm minh của pháp luật sẽ sớm hình thành văn hóa giao thông nói chung và giao thông trên cao tốc nói riêng.