Thực trạng hoạt động của chợ xã tại huyện Chợ Đồn

Thời gian qua, nhiều chợ xã ở huyện Chợ Đồn đã phát huy hiệu quả, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số chợ xuống cấp hoặc có nơi xây mới xong vẫn không thu hút được người dân đến họp chợ.

Chợ Đồng Thắng họp 05 ngày một phiên, thu hút được nhiều người dân đến mua bán.

Chợ Đồng Thắng họp 05 ngày một phiên, thu hút được nhiều người dân đến mua bán.

Huyện Chợ Đồn hiện có 15 chợ xã đã đầu tư theo hình thức kiên cố bằng nguồn vốn nhà nước, trong đó có 01 chợ hạng 2 là chợ thị trấn Bằng Lũng và 14 chợ hạng 3 họp theo phiên; có 05 xã không có chợ là Tân Lập, Ngọc Phái, Yên Thượng, Bằng Lãng, Bản Thi. Qua đánh giá, một số chợ đang hoạt động khá hiệu quả như chợ thị trấn Bằng Lũng, chợ Nam Cường, chợ Đồng Thắng, chợ Phương Viên, chợ Quảng Bạch, chợ Xuân Lạc... Thu ngân sách từ chợ còn khá khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 3,2% trong tổng nguồn thu của huyện.

Thực tế cho thấy, một số chợ mặc dù xây dựng khá lâu nhưng vẫn không thu hút được người đến họp như: Chợ Nghĩa Tá, Đại Sảo, Đồng Lạc... Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh tại các chợ này quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh không có. Một số chợ vị trí không thuận lợi do cách xa trục đường giao thông như chợ Nghĩa Tá. Để vận hành, khai thác và kinh doanh đúng hướng, các xã đều thành lập tổ, ban quản lý chợ xã với thành viên chủ yếu là cán bộ, công chức xã kiêm nhiệm; riêng chợ thị trấn Bằng Lũng đã thành lập ban quản lý chợ theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập. Các tổ chức này chịu trách nhiệm vận hành phân lô, sắp xếp mặt bằng, thu lệ phí, thực hiện chi trả việc thu gom, xử lý rác thải...

Trên địa bàn huyện đã có 07 chợ xây dựng được nội quy chợ (gồm Bằng Lũng, Lương Bằng, Nghĩa Tá, Yên Phong, Yên Thịnh, Đồng Thắng và Phương Viên), 03 chợ (Bằng Lũng, Lương Bằng, Đồng Thắng) có phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ được UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số điểm chợ vẫn chưa tuân thủ đầy đủ phương án phòng cháy chữa cháy. Nơi đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy thì đa số thiết bị phòng cháy lại chưa được đầu tư đầy đủ vì không có nguồn kinh phí. Việc bố trí, sắp xếp bày bán hàng, đặc biệt là hàng thực phẩm ở một số chợ chưa đảm bảo, còn có tình trạng bày bán trực tiếp trên nền chợ không đảm bảo vệ sinh. Một số chợ quy mô hoạt động nhỏ, chưa bố trí được khu vực trông giữ xe, dẫn đến bày bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, ùn tắc giao thông; tình trạng xả rác thải bừa bãi vẫn còn diễn ra (như tại chợ Bình Trung).

Phần lớn các chợ trên địa bàn huyện đã xây dựng trên dưới 10 năm, nhiều chợ có dấu hiệu xuống cấp (điển hình như chợ Yên Phong, Quảng Bạch); có công trình chợ không còn phù hợp với quy mô hiện nay. Một số chợ hiệu quả hoạt động thấp nên chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân. Mặt khác, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều xã phải tạm dừng họp chợ, dẫn đến không có nguồn thu. Trong năm 2021, cả huyện chỉ có 02 chợ là Phương Viên và Yên Thịnh được đầu tư, sửa chữa theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Xét trên tổng thu hằng năm của các chợ so với tổng vốn đã đầu tư của Nhà nước thì rõ ràng nhiều chợ hoạt động chưa hiệu quả, mức thu chỉ đủ chi cho hoạt động, còn việc nâng cấp, sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Để phát huy vai trò của chợ xã trong việc thúc đẩy sản xuất, giao thương hàng hóa thì việc rà soát, đánh giá lại hiện trạng của các chợ; bố trí, sắp xếp lại một số hạng mục là điều cần thiết mà địa phương cần phải làm. Từ đó huyện có phương án đầu tư, sửa chữa đúng trọng tâm, trọng điểm, chuyển đổi mô hình quản lý chợ phù hợp với thực tế, tránh gây lãng phí khi đầu tư vào những nơi không cần thiết./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/thuc-trang-hoat-dong-cua-cho-xa-tai-huyen-cho-don-7964c5e/