Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh

Để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), ngày 9/8/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tình trạng MCBGTKS trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành Y tế phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về hệ lụy của MCBGTKS tới nhân dân; phối hợp với Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các huyện, thành phố tổ chức giao lưu, tọa đàm và tuyên dương, khen thưởng các gia đình sinh con một bề là gái có thành tích học tập tốt.

 Cán bộ xã Tân Thành (Lương Sơn) tuyên truyền đến hộ sinh con một bề là gái về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.

Cán bộ xã Tân Thành (Lương Sơn) tuyên truyền đến hộ sinh con một bề là gái về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.

Các cấp, ngành nỗ lực không ngừng trong việc hạn chế tình trạng MCBGTKS. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa ý thức được những hệ lụy nghiêm trọng của MCBGTKS. Một bộ phận người dân, kể cả cán bộ, đảng viên vẫn có tư tưởng "trọng nam, khinh nữ”. Từ đó, sự chênh lệch về tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh vẫn ở mức cao so với toàn quốc. Năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 113,9 nam/100 nữ. 6 tháng đầu năm nay, tỷ số giới tính khi sinh là 113,8 nam/100 nữ (cùng kỳ năm 2018 là 113,7 nam/100 nữ).

Theo khảo sát, trong 7 tháng năm nay, một số huyện có sự chênh lệch về giới tính tương đối cao, thể hiện ở tổng số trẻ nam sinh ra cao hơn nhiều so với tổng số trẻ nữ sinh ra. Huyện Lương Sơn có tổng số 688 trẻ sinh thì có 357 trẻ nam, 331 trẻ nữ. Huyện Cao Phong có 328 trẻ sinh, trong đó có 172 trẻ nam, 156 trẻ nữ. Huyện Lạc Thủy tổng số có 440 trẻ sinh, trong đó 226 trẻ nam, 214 trẻ nữ...

Thực trạng MCBGTKS tồn tại nhiều năm tại tỉnh ta. Nguyên nhân của tình trạng MCBGTKS vẫn ở mức cao được xác định do một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác DS-KHHGĐ, chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và phát triển; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên. Khoa học công nghệ càng phát triển, sự lạm dụng trong việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng lan rộng và khó kiểm soát. Tại các phòng khám tư, trong giấy khám thai không ghi giới tính thai nhi nhưng vẫn chẩn đoán giới tính và thực hiện các thủ thuật phá thai khi khách hàng yêu cầu. Tình trạng sinh con thứ 3 diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo các chuyên gia dân số, MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống gia đình và xã hội. Lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới việc phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ, tăng bất bình đẳng giới. Thừa nam, thiếu nữ là nguyên nhân làm tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Trong thời gian tới, để kiểm soát có hiệu quả tình trạng MCBGTKS nhằm nâng cao chất lượng dân số, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số. Đẩy mạnh, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, giảm thiểu MCBGTKS. Thực hiện chính sách ưu tiên gia đình sinh con một bề là gái thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Tập trung tuyên truyền các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn không lựa chọn giới tính khi mang thai, tác hại của việc lựa chọn giới tính. Nghiêm cấm, ngăn chặn hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/132669/thuc-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-tren-dia-ban-tinh.htm