Thuốc lá mới: Quản lý bằng tem nhãn để loại sản phẩm độc hại khỏi thị trường

Theo đại diện Bộ Tư pháp, phương án đơn giản để kiểm soát thuốc lá mới là dùng tem nhãn làm cơ sở phân biệt các sản phẩm được phép lưu thông.

Vừa qua, tại tọa đàm "Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới", các chuyên gia, đại biểu đã khuyến nghị việc cấp thiết có phương án quản lý thích hợp đối với thuốc lá nung nóng (TLNN) và các sản phẩm thuốc lá mới khác đang tồn tại trên thị trường.

Các đại biểu đã đề xuất quản lý bằng tem nhãn để phân biệt, lưu hành hợp pháp các sản phẩm chính ngạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và quốc nội. Việc quản lý các sản phẩm thuốc lá hiện có là hoàn toàn nằm trongnăng lực quản lý của các bộ ngành.

Bởi thuốc lá là ngành hàng có sự tham gia kiểm soát bởi liên bộ và cả chính phủ. Việc quản lý cũng đồng thời là hàng rào giúp các cơ quan thực thi xử lý có tính răn đe cho các sản phẩm không tem nhãn trong bối cảnh thị trường thuốc lá mới hiện đang bị thao túng bởi đầu nậu, chợ đen.

Tọa đàm "Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới".

Tọa đàm "Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới".

Xử lý tiêu hủy các mặt hàng thuốc lá mới không tem nhãn

Tại tọa đàm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đã đề xuất phương án đơn giản để kiểm soát thuốc lá mới, đó là dùng tem nhãn làm cơ sở phân biệt các sản phẩm được phép lưu thông, và xử lý tịch thu, tiêu hủy những sản phẩm không tem nhãn.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã có cơ chế phát hành tem nhãn cho các sản phẩm thuốc lá sản xuất nội địa như từ Vinataba, hoặc cho sản phẩm nhập khẩu nào được lưu hành hợp pháp.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đăng ký quy mô sản xuất, nguyên vật liệu và số lượng để được Tổng cục Thuế phê duyệt và cung cấp số lượng tem nhãn như đăng ký. Tem dán trên gói thuốc là căn cứ để áp dụng thuế lêncác sản phẩm hợp pháp. Đồng thời là cơ sở để phân biệt với các hàng nhái, hàng giả, hàng phi pháp không qua đăng ký.

Ông Lê Đại Hải.

Ông Lê Đại Hải.

Theo ông Hải, việc này có thể được thực hiện tương tự với các sản phẩm thuốc lá mới đã được công nhận là thuốc lá: "Nếu đã công nhận TLNN là thuốc lá và xác định những sản phẩm này đang nhập khẩu bằng con đường tiểu ngạch, xách tay không chính thống vào Việt Nam, thì nên cấp phép và kiểm soát tương tự thuốc lá điếu nhập khẩu hiện nay.

Biện pháp này vừa kiểm soát được chất lượng, vừa giúp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, bảo đảm sự minh bạch cho người tiêu dùng"."Việc kiểm soát này không có vấn đề gì khó khăn", ông Hải khẳng định.

Về cơ sở pháp lý, ông Hải cho biết, cần nhìn nhận hệ thống pháp luật một cách tổng thể. Theo đó, để quản lý thuốc lá, bên cạnh Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), còn có Luật Đầu tư.

Theo Luật Đầu tư, thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện, do Chính phủ kiểm soát. Như vậy, có thể từ Luật Đầu tư chỉnh sửa Nghị định 67 để xác định TLLN là thuốc lá và quản lý bằng các quy định đang áp dụng cho thuốc lá điếu hiện nay.

Từ năm 2018 cho đến nay, WHO khuyến khích các nước thành viên (trong đó có Việt Nam) kiểm soát chặt chẽ TLLN theo luật của quốc gia. Theo báo cáo của WHO, 184 quốc gia hiện không cấm TLNN mà quản lý dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó bao gồm các chính sách ưu đãi cho TLNN.

Đề xuất cấm vì chưa đủ năng lực quản lý: Lý do liệu đã hợp lý?

Bình luận về tính phù hợp của đề xuất cấm với thực tiễn, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: "Không phải vì chúng ta không quản lý được thì chúng ta cấm, cũng không phải là vì nhận thấy sản phẩm không tốt cho sức khỏe thì cấm. Bởi vì thuốc lá, rượu bia hay nhiều sản phẩm khác đều có những tác động nhất định với sức khỏe con người".

Về bản chất, rượu, bia, thuốc lá điếu, kể cả nước ngọt, đường… đều thuộc nhóm hàng có hại cho sức khỏe, song vẫn lưu hành hợp pháp, kiểm soát bởi Chính phủ.

Vì vậy, các chuyên gia đánh giá, đề xuất cấm TLNN, thuốc lá mới vì lý do các sản phẩm này gây hại là chưa nhất quán với tinh thần chung.

Còn xét về năng lực quản lý, các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam đã hoàn thiện năng lực khi có sự góp mặt của toàn thể vận động cả hệ thống các bộ ban ngành và toàn Chính phủ cùng phối hợp kiểm soát thuốc lá điếu hiệu quả trong nhiều năm qua.

Bà Liên khẳng định "về mặt tổ chức bộ máy và cơ chế thực thi thì chúng ta không thiếu". Bởi Việt Nam có đủ cơ quan, từ quản lý xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, đến quản lý thị trường, lực lượng công an, và Ban Chỉ đạo quốc gia 389 về phòng chống các tội phạm buôn lậu.

Quan ngại của bà Liên nằm ở việc thiếu công cụ pháp lý. Các cơ quan thực thi cần cơ sở để xác định đối tượng được quản lý, nhập khẩu, lưu hành với điều kiện rõ ràng.

Đồng thời, cần làm rõ mặt hàng nào được đánh thuế, qua kiểm duyệt nghiêm ngặt, đủ tem nhãn, đạt chất lượng… và mặt hàng nào cần xử lý, áp dụng phạt khi phát hiện sử dụng, kinh doanh với mục đích bị biến tướng.

Thực tế, hầu hết các quốc gia toàn cầu đã cung cấp hợp pháp TLNN hay các sản phẩm thuốc lá mới khác từ rất sớm. Đã có những bằng chứng, nghiên cứu khoa học toàn cầu về khả năng giảm tác hại của TLNN, đồng thời chưa có bằng chứng cho thấy TLNN là độc hại hơn thuốc lá truyền thống.

Trước tình hình trên, các đại biểu kiến nghị cần đi theo xu hướng chung của thế giới, tránh để Việt Nam bị nhìn nhận khác biệt, cực đoan, và đánh giá thấp năng lực quản lý từ những vấn đề vi mô cho đến vĩ mô.

Một khung pháp lý phù hợp cho mọi ngành hàng, kể cả thuốc lá mới sẽ là hàng rào để nâng cao tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng như minh chứng cho năng lực quản lý hiệu quả của Nhà nước. Điều này cũng là công cụ để gia tăng tính cạnh tranh công bằng, thúc đẩy việc các bên tham gia chạy đua trong việc tìm giải pháp giảm tác hại cho người hút thuốc lá hiện nay.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thuoc-la-moi-quan-ly-bang-tem-nhan-de-loai-san-pham-doc-hai-khoi-thi-truong-204241003111335246.htm