Thực trạng phân loại rác tại nguồn ở TP HCM: Ghi nhận qua từng hình ảnh
Dù Nghị định 45/2022 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 nhưng ý thức phân loại rác tại nguồn của nhiều người dân TP HCM dường như không mấy cải thiện.
Theo quy định tại Nghị định 45/2022, mỗi cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm phân loại rác tại nguồn, nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, phần lớn người dân TP HCM vẫn "tiện đâu vứt đó" và chưa nắm chế tài.
Đường phố, công viên đã thế, tại chung cư cũng vậy. Đại diện ban quản lý một chung cư ở quận 8 đưa ra dẫn chứng nhiều tòa chung cư thường sử dụng hệ thống ống xả rác tập trung về một phòng chứa ở tầng hầm. Điều này khiến việc cư dân phân loại rác tại căn hộ không thực sự đạt hiệu quả.
Đặc biệt, thói quen đổ rác không cố định giờ giấc và thiếu người giám sát khiến việc kiểm tra và bảo đảm thực hiện quy định trở nên khó khăn. "Đây rõ ràng là một điểm yếu cần được giải quyết trong hệ thống thu gom rác tại chung cư" - vị đại diện nhận xét.
Nhiều ý kiến của người dân góp ý việc triển khai phân loại rác cần kế hoạch cụ thể hơn. Thành phố phải đưa ra lộ trình hợp lý, linh hoạt, phù hợp đặc thù từng khu vực. Đồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách phân loại từng nhóm rác, giải thích rõ khái niệm và đặc điểm của mỗi loại để dễ hiểu hơn với đa số người dân.
Bên cạnh đó, nên trang bị đầy đủ phương tiện vận chuyển chuyên dụng nhằm kiểm soát tốt khâu thu gom và xử lý. Ví dụ, nên có xe chuyên thu gom chất thải thực phẩm riêng biệt để tránh lẫn lộn và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống quản lý rác.
Người dân cũng đề xuất thành phố nên bắt đầu bằng những bước đơn giản để giảm tải khó khăn. Theo đó, thay vì phân loại thành 3 nhóm ngay lập tức, thành phố có thể khuyến khích chia rác thành 2 loại tái chế và không tái chế. Điều này mở đường cho việc áp dụng quy định chặt chẽ trong tương lai.