Thực trạng phát sinh rác thải nhựa cần được thu gom, xử lý
Nhiều vật dụng tiện ích như chai lọ, túi ni lông, hộp đựng thực phẩm hay đồ chơi... được sản xuất từ thành phần chính là polyme hữu cơ sau khi sử dụng sẽ trở thành rác thải nhựa (RTN). Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, RTN có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên việc tái chế và thu gom loại rác thải này lại chưa được như mong muốn làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống cộng đồng.
Thành viên Câu lạc bộ Tôi yêu rác Thanh Hóa thu gom rác thải tại hồ Đồng Chiệc (TP Thanh Hóa).
Theo khảo sát, thống kê của ngành chức năng, lượng RTN thất thoát ra môi trường xuất phát từ đất liền những năm gần đây là khoảng trên 136.000 tấn/năm, dự báo đến năm 2025 là 143.782 tấn, năm 2030 là 189.194 tấn. Nếu tính cả lượng nhựa thất thoát từ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản con số trên sẽ tăng 146.538 tấn vào năm 2025 và 191.194 tấn vào 2030. Lượng phát sinh RTN ở các địa phương trên địa bàn tỉnh dao động lớn, trong đó cao nhất là TP Thanh Hóa với tổng lượng phát thải khoảng hơn 54 tấn/ngày, tương đương gần 20.000 tấn/năm. TP Sầm Sơn lượng phát thải xếp thứ hai với tổng lượng RTN khoảng trên 20 tấn/ngày, tương đương hơn 7.300 tấn/năm... Với khối lượng RTN được sử dụng và thải bỏ lớn như vậy sự tác động đến môi trường và hệ sinh thái là khó tránh khỏi nếu không có giải pháp thiết thực và chiến lược cụ thể.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa chưa có hạ tầng riêng cho việc thu gom và vận chuyển RTN. Các loại RTN phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu như được thu gom và vận chuyển cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt khác và chưa được phân loại tại nguồn. Nếu có cũng chỉ một phần rác có giá trị tái chế cao như vỏ chai nhựa, chậu nhựa hỏng được phân loại để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Còn lại RTN có giá trị tái chế thấp như túi ni lông, vỏ bánh kẹo, vỏ thuốc... hầu như chưa được người dân phân loại. Đặc biệt, RTN trên biển gần như chưa được thu gom, chỉ khi dạt vào bờ, được thu gom vào các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường.
Trong khi đó, hoạt động tái chế RTN trên địa bàn tỉnh chưa được phổ biến. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 5 cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa, tuy nhiên các cơ sở này chỉ tái chế một số loại nhựa nhất định theo nhu cầu. Đơn cử như Công ty CP Giấy Mục Sơn (Thọ Xuân) chỉ sản xuất hạt nhựa tái chế từ RTN phát sinh từ quá trình sản xuất của công ty; Công ty Vạn Lộc Xuân (Triệu Sơn) chỉ thu mua các bao bì đựng thức ăn chăn nuôi để tái chế thành hạt nhựa; Công ty Vận tải và Khai thác khoáng sản Xuân Hòa và Công ty TNHH Nhựa Song Hà sử dụng nguyên liệu nhập khẩu và thu mua từ tỉnh ngoài... Điều này dẫn đến việc tái chế RTN phát sinh trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông, những năm gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Phát động phong trào hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Đồng thời, đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn như phân loại RTN, túi ni lông; kêu gọi các đơn vị, các doanh nghiệp quản lý, khai thác chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hành động giảm thiểu sử dụng và tiến tới không sử dụng các túi ni lông, túi nhựa đựng hàng hóa cho khách hàng; phát động phong trào “Chung tay đẩy lùi ô nhiễm do RTN”...
Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Đồ dùng bằng nhựa, nhất là đồ dùng sử dụng 1 lần như cốc nhựa, ống hút nhựa và túi ni lông vẫn là sản phẩm được ưa chuộng đối với mỗi người dân và tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đến các khu chợ buôn bán nhỏ lẻ. Điều này cũng đồng nghĩa các cấp, các ngành và mỗi người dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa, nhất là những sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Các nghiên cứu cho thấy, những sản phẩm như túi ni lông, hộp xốp, vỏ sữa, chai nhựa, ống hút nhựa... phải cần ít nhất 100 - 200 năm để phân hủy. Như vậy, nếu không có biện pháp xử lý, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu lượng phát sinh RTN, nguy cơ vượt quá sức chịu tải của môi trường khi RTN phát sinh là điều không tránh khỏi. Sự tích tụ RTN theo thời gian cũng chính là mối đe dọa lớn đến sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.