Thực trạng và giải pháp đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh

Tỷ số giới tính khi sinh phản ánh sự cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này ở mức sinh học thông thường là 103 - 107 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và của toàn cầu.

Siêu âm theo dõi sức khỏe thai phụ tại Trạm Y tế xã Đại Lào, TP Bảo Lộc

Siêu âm theo dõi sức khỏe thai phụ tại Trạm Y tế xã Đại Lào, TP Bảo Lộc

Ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh. Kết quả tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2022 trung bình hằng năm giảm 0,68 điểm/năm. Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (cao hơn toàn quốc 1,1 điểm); đến năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh 108 trẻ trai/100 trẻ gái (tương đương toàn quốc). Sau 7 năm thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã kiểm soát hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh năm sau thấp hơn năm trước, trong khi đó tỷ số giới tính khi sinh toàn quốc có xu hướng tăng. Để đạt thành quả này nhờ công tác truyền thông vận động với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Đặc biệt, vai trò của người đứng đầu là yếu tố quyết định tới thành công của việc thực hiện chính sách dân số nói chung và giảm tỷ số giới tính khi sinh nói riêng. Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa đến việc thực hiện các mục tiêu dân số. Thực tế cho thấy, những nơi cán bộ, đảng viên gương mẫu thì công tác dân số được quan tâm và thực hiện tốt.

Bước sang giai đoạn mới 2023 - 2025, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn này trên địa bàn tỉnh xác định mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 107,3 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống (thấp hơn toàn quốc 1,15 điểm) toàn quốc là 118,8. Năm 2024, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh Lâm Đồng là 108,4 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, thấp hơn toàn quốc 0,56 điểm (toàn quốc là 111,4 bé trai/100 bé gái); trong đó, tỷ số giới tính khi sinh đối với người Kinh là 106,2 và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 110,5. Bình quân số con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của toàn tỉnh là 2,1 con/phụ nữ; trong đó, người Kinh là 1,7; đồng bào DTTS là 2,5.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh bình quân 0,4 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này đạt dưới mức 109 bé trai/100 bé gái, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dược sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Phương Duyên - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Để từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh và tiến tới trở về mức cân bằng tự nhiên, cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn trong thời gian tới, ngành Y tế đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau: Cần tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và cơ quan y tế các cấp nói riêng. Các đơn vị y tế các cấp chủ động và chuẩn bị tốt, đầy đủ trang thiết bị, thuốc thiết yếu, đặc biệt là không để thiếu các phương tiện tránh thai cung cấp cho người dân.

Tập trung ưu tiên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho các đối tượng dễ bị tổn thương như vị thành niên, thanh niên, phụ nữ nhất là phụ nữ vùng đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, gia đình nghèo… Triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục nói chung và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ nói riêng với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng khó tiếp cận ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, thực hành về dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho các nhóm dân số. Song song với các giải pháp trên thì các chính sách dân số cũng cần phải được thực hiện một cách linh hoạt, đồng thời vận động người dân sinh con có trách nhiệm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước.

Những năm qua, ngành Y tế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật… triển khai nhiều biện pháp như lồng ghép tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và người dân về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, những nỗ lực của ngành chưa đủ sức để thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, vì vậy, thời gian tới cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi quan niệm tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”, xã hội cần tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia nhiều hơn trong đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm; thành lập quỹ dành riêng cho trẻ em gái phát triển tương lai…

Đổi mới toàn diện, đa dạng các hình thức, phương pháp truyền thông phù hợp từng vùng, từng đối tượng. Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở tỉnh, địa phương; tập trung khai thác, phát triển những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông hiện đại khác. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các cộng tác viên dân số tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, tập trung vào nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cặp vợ chồng sinh con một bề là gái…

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/thuc-trang-va-giai-phap-dam-bao-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-4625ca6/