Thực trạng và giải pháp đối với việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam
Chiều ngày 21/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ: 'Việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam - thực trạng và giải pháp'.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị
Theo bà Quản Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm đề tài, giám sát, phản biện xã hội (PBXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; là phương thức thực hành dân chủ và kiểm soát quyền lực trong quá trình hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng, trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thời gian qua, cùng với chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, công tác giám sát và PBXH đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đã phát huy được sức mạnh từ các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân; phát huy có hiệu quả kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn..., chất lượng văn bản kiến nghị và văn bản phản biện của Mặt trận được nâng cao, chỉ ra những sai sót, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật của chính quyền, được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khắc phục, giải quyết kịp thời, góp ý cụ thể, sâu sắc đối với các dự án, dự thảo văn bản của các cơ quan chủ trì xây dựng, được các cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cao và ghi nhận, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật.
Bà Quản Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt nội dung tại Hội nghị
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Một trong những hạn chế cần khắc phục trong công tác giám sát và phản biện xã hội hiện nay là chất lượng việc tiếp thu, phản hồi, giải quyết kiến nghị giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam ở nhiều nơi chưa cao; nhiều văn bản trả lời của cơ quan chức năng còn chung chung, chưa cụ thể, một số văn bản được trả lời chỉ mang tính chất thông báo, hình thức; nhiều ý kiến PBXH của MTTQ Việt Nam vẫn chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình và phản hồi lại cho MTTQ Việt Nam.
Từ những lý do quan trọng nêu trên, việc nghiên cứu đề tài: “Việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam - thực trạng và giải pháp” là một nhiệm vụ cần thiết nhằm đánh giá sâu sắc hơn nữa về việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và PBXH của Mặt trận.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung phân tích thực trạng về việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam, từ đó đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.
Hội đồng phản biện góp ý kiến vào nội dung Đề tài
Đối với nhóm giảm pháp về nhận thức, nhóm nghiên cứu đề xuất cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và PBXH; Đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền về trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, thực hiện kiến nghị giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam.
Trong nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhóm nghiên cứu cho rằng cần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, rà soát, xây dựng, bổ sung sửa đổi các văn bản quy định liên quan đến giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; đề xuất sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể liên quan trực tiếp đến việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và PBXH của Mặt trận như: sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam năm 2015; sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN; xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.
Hội đồng phản biện góp ý kiến vào nội dung Đề tài
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp trong triển khai, thực hiện như: Nâng cao chất lượng văn bản kiến nghị giám sát và kiến nghị phản biện xã hội; Tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc tiếp thu, phản hồi, thực hiện kiến nghị giám sát, phản biện xã hội; Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận; Nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Tăng cường sự tham gia của đội ngũ tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học và những người có kinh nghiệm; phát huy sự tham gia của báo chí, truyền thông trong hoạt động giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam; Bảo đảm kinh phí, ngân sách cho hoạt động giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam…
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đánh giá cao nội dung nghiên cứu của nhóm đề tài và khẳng định đề tài là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, đưa ra những số liệu xác đáng, phản ánh thực trạng về hoạt động giám sát và PBXH trong thời gian qua, từ đó góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề về lý luận, về thực tiễn đối với hoạt động giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự Hội nghị
Từ ý kiến góp ý của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị nhóm nghiên cứu cần nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đặc biệt là các ý kiến phản biện tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện đề tài. Trong đó cần tập trung vào cách diễn đạt không trùng lắp các thuật ngữ, khái niệm về giám sát, PBXH; tập trung vào các giải pháp để việc tiếp thu những kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam được thực thi; tập trung kiến nghị nhằm hoàn thiện quy trình sau giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam.
Nhấn mạnh đây là một đề tài với nội dung khó nhưng nhóm nghiên cứu đã thực hiện công phu, nghiêm túc với ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những nội dung mà nhóm đưa ra phù hợp với thực tế trong triển khai hoạt động giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua; với bố cục hợp lý, những giải pháp mà nhóm đề tài đưa ra sẽ là căn cứ để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như MTTQ Việt Nam các cấp triển khai hoạt động giám sát, PBXH trong thời gian tới để đáp ứng với yêu cầu mà Đảng đã chỉ đạo trong các Nghị quyết, Chỉ thị về giám sát, PBXH đối với MTTQ Việt Nam.