Thức uống dân dã mà thanh tao của người Việt
Cùng ngồi xuống nhâm nhi một tách trà giúp nâng đỡ sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn. Lịch sử của trà rất phức tạp, thú vị, là một chủ đề đủ sức lấp đầy nhiều cuốn sách.
Trong hàng nghìn năm qua, con người đã yêu món trà vì vị ngon và các đặc tính kích thích của nó tương tự ở cà phê. Ngày nay, ngày càng có nhiều người chọn uống trà vì những lợi ích cho sức khỏe mà nó mang lại.
Trên hành trình tới thăm miền đất lạ, người ta không chỉ ngỡ ngàng vì thiên nhiên kỳ vĩ, một tách trà nóng thơm hương hoa cỏ cũng khiến lữ khách ấm lòng. Giữa tất bật người xe, nhà cửa chen chúc, một quán trà ven đường cũng đủ gợi những bình yên trong nhịp sống hiện đại.
4 tựa sách dưới đây như một món quà tinh thần ý nghĩa với những tâm hồn yêu thích tìm hiểu về trà.
Chuyện Trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt
Sách viết về trà, có khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Không chỉ mang tính khảo cứu, cuốn sách là sự hài hòa giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng thế thái nhân tình qua lá trà.
Sách giúp độc giả biết thêm về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua sử liệu. Những câu chuyện về kỹ thuật pha chế cùng cách thưởng trà của cha ông ta cũng được tác giả kể lại. Tác giả cũng dày công tuyển chọn câu chuyện của người xưa thưởng trà, trong đó có câu chuyện của những nhân vật như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát…
Kết hợp tinh thần khách quan, cái nhìn phóng khoáng và giọng kể thâm trầm, Chuyện trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt đưa độc giả vào với thế giới trà một cách tự nhiên và khiến ta quyến luyến mãi trong thế giới dung dị đó.
Thưởng trà dưới mái hiên nhà
Thưởng trà dưới mái hiên nhà là cuốn sách được viết bởi hai người thợ trà đã 10 năm lăn lộn với nghề, đôi vợ chồng Việt Bắc - Ngọc Linh.
Hai giọng văn đến từ hai con người có chung một niềm đam mê với trà khiến tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, thú vị như một ấm trà ngon giữa nhịp sống hối hả ngày thường.
Tác giả chia sẻ tường tận về tác dụng của trà trong cuộc sống gia đình, trong lễ nghi hàng ngày. Thậm chí cả việc dùng trà như một vị thuốc, rồi cách thức chọn ấm, chén cho bàn trà tại gia và cách phân biệt năm loại trà phổ biến ở Việt Nam hiện tại cũng được đề cập rõ ràng qua từng trang sách.
Ngoài những kiến thức về văn hóa, cuốn sách còn hướng dẫn cách dệt các loại hương đơn giản cho trà với vài loại hoa quen thuộc mà bạn dễ dàng tìm thấy như nhài, cúc, sen…
Phác thảo danh trà Việt Nam
Với tình yêu cùng niềm đam mê bất tận dành cho trà, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn đã tổng hợp và giới thiệu tới độc giả một danh sách dài đầy chi tiết về tên gọi, thông tin, sự phân bố và lịch sử của các loại trà Việt.
Ngang dọc đường trà
Đối với nhiều người, trà chỉ đơn giản là thứ thức uống quen thuộc. Còn với tác giả, trà dường như trở thành lý tưởng của cuộc đời. Suốt 10 năm, tác giả lăn lộn khắp nơi cùng nhiều chuyên gia trong nghề để thưởng thức trà ngon, tìm ra những vùng trà quý.
Theo tác giả, trà không chỉ là kết tinh của tạo vật, sự thanh khiết, hương thơm; mà còn là thức uống có khả năng đưa con người tìm về với sự an yên trong tâm hồn.
Sách gồm 4 phần chính. Ở phần đầu tiên, bạn đọc sẽ được theo chân tác giả dọc ngang 3 miền, đi đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, ta vừa bất ngờ trước những đồi chè, vừa cảm nhận được non nước tươi đẹp, thanh bình của Tổ quốc.
Sau khi giới thiệu những nơi trồng trà ngon, tác giả làm rõ vai trò của trà trong cuộc sống cũng như phong tục của người Việt.
Cách trồng, canh lửa, quan sát nhiệt độ khi đun nước, pha trà là những chi tiết tỉ mẩn được miêu tả trong phần hai.
Còn ở phần thứ ba, độc giả sẽ thực sự được mở mang tầm mắt trước nghệ thuật thưởng trà. Tiếp đến, tác giả bàn về cách sử dụng trà như một vị thuốc.
Tác phẩm mang đậm tính chất du ký kèm theo đôi phần tự sự. Qua đó, câu chuyện về trà hiện lên vừa phóng khoáng, chân thật; lại vừa chứa đựng niềm đam mê bất tận của một lữ khách đối với thứ đồ uống có lịch sử lâu đời này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-uong-dan-da-ma-thanh-tao-cua-nguoi-viet-post1401515.html