Thuế chiếm gần 30% trong cơ cấu giá xăng dầu

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong cơ cấu tính giá xăng dầu trong nước, giá xăng dầu thế giới chiếm khoảng 65-77%, thuế khoảng 12-29%.

Ngày 30-7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả”.

Thuế chiếm khoảng 12-29% trong giá xăng dầu

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình, cho hay, khi mổ xẻ các yếu tố cấu thành giá xăng dầu trong nước thì thấy giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77%, tùy theo mặt hàng xăng dầu, thuế chiếm khoảng 12-29%.

Chi phí định mức dao động từ 7,5-11% trong cơ cấu giá xăng dầu trong nước hiện nay. Chi phí kinh doanh định mức được xác định trên cơ sở báo cáo kiểm toán kinh doanh xăng dầu cũng như các báo cáo thống kê chi phí thực tế tại doanh nghiệp.

 Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình chia sẻ về các yếu tố cấu thành trong giá xăng dầu. Ảnh: VGP

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình chia sẻ về các yếu tố cấu thành trong giá xăng dầu. Ảnh: VGP

Ngoài ra, một số yếu tố như lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ… cũng ảnh hưởng tới giá xăng dầu.

“Với diễn biến đó, yếu tố tác động lớn nhất là giá xăng dầu thế giới, vì nó chiếm trong công thức tính giá cơ sở khoảng 65-70%. Vì vậy, diễn biến giá xăng dầu trong 7 tháng vừa qua cũng có những biến động liên tục, nhưng tổng kết lại, mặt bằng giá không có nhiều biến động so với đầu năm 2024” - ông Bình chia sẻ.

Điều hành xăng dầu vẫn mang tính mệnh lệnh hành chính

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng nêu ý kiến, ở Việt Nam, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu, thông qua ba công cụ chủ yếu là: điều hành thông qua giá cơ sở, công cụ về thuế và bình ổn giá bằng việc trích lập quỹ bình ổn.

Ông Cường đánh giá, việc điều hành như thế đã mang lại kết quả khá tích cực. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế. Đó là mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới.

"Cách điều hành giá vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Khi đã dùng hành chính áp đặt như thế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua có những thời kỳ, có nơi người ta thông báo hết xăng dầu, không bán được” - ông Cường dẫn chứng.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (giữa) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (giữa) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Đối với công cụ về thuế hay sử dụng công cụ trích Quỹ bình ổn, theo ông Cường, thực chất chúng ta dung chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường.

“Nếu chúng ta để thị trường quyết định thì đương nhiên các doanh nghiệp đó sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí người ta có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt thì sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung thì sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực tốt, tạo ra khả năng kinh doanh tốt. Đấy là những điều chúng ta cần phải khắc phục” - ông Cường chia sẻ.

Từ đó Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc sửa đổi chính sách quản lý thị trường xăng dầu thời gian tới cần phải hướng vào việc thay đổi cơ chế, từ quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết, để doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết.

Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước.

"Ở đây có hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập, chúng ta có thể dùng công cụ đó để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá" - ông Cường nói.

Hoặc có thể sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn. Bên cạnh đó phải có nguồn lực dự trữ quốc gia, phải có thị trường để làm sao cho mọi người có thể tham gia giao dịch tốt.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thue-chiem-gan-30-trong-co-cau-gia-xang-dau-post802817.html