Thuế đối ứng là 'cơ hội tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ'
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện một cách chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Theo ông, cần coi đây là cơ hội tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều nay chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, nước ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm nay, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ việc sau sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, phương tiện và tài sản công không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, trong đó ưu tiên sắp xếp, bố trí cho y tế, giáo dục, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng; triển khai hiệu quả 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; rà soát, sửa đổi quy hoạch các cấp phù hợp với đơn vị hành chính mới...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện một cách chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Theo ông, cần coi đây là cơ hội tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, nhanh, bền vững, tuần hoàn; nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành mới
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (trên 16%), chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, điều hành tăng trưởng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường quản lý thị trường vàng...
Bộ Tài chính được yêu cầu tăng cường quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính trình dự thảo nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam trước ngày 15/7; bố trí kịp thời kinh phí cho các nghị quyết số 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị và cho cán bộ nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Công Thương khẩn trương trình dự thảo về chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam, các dự thảo nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, xuất xứ hàng hóa.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì chuẩn bị khởi công, khánh thành đồng loạt 80 công trình trên cả nước vào ngày 19/8, nhân kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh. Ảnh: Nhật Bắc
Yêu cầu khẩn trương chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng, các cơ quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành xem xét các nhà đầu tư, phương án đầu tư (gồm cả trong và ngoài nước, cả khu vực nhà nước và tư nhân) bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng. Ông yêu cầu phương án nào có lợi nhất cho đất nước thì làm, và quyết tâm chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Đối với các vấn đề tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng yêu cầu xử lý hiệu quả. Cụ thể, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý 2.365 dự án vướng mắc, tồn đọng kéo dài theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.
Loạt nhiệm vụ của các bộ, ngành
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính trình ban hành kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết số 138 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân; khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ Chính trị nghị quyết về phát triển kinh tế Nhà nước.
Bộ GD-ĐT cần tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Bộ Y tế tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, công tác dân số và phát triển.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện đề án về văn hóa trình Bộ Chính trị.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan và địa phương tập trung thực hiện các chính sách nhà ở cho người có công, người nghèo có thu nhập thấp, bảo đảm người dân "an cư lạc nghiệp" với mục tiêu hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước ngày 27/7; hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước ngày 31/8.