Thuế đối ứng và bài toán xuất xứ: Cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp chuỗi cung ứng

Những năm gần đây, xu hướng bảo hộ gia tăng khiến nhiều nước nhập khẩu siết chặt quy định về truy xuất nguồn gốc và chống trợ cấp để bảo vệ sản xuất nội địa. Điều này khiến hàng hóa Việt Nam, dù gia công tại chỗ, vẫn có thể bị áp thuế đối ứng từ 10% đến 50% nếu sử dụng nguyên liệu từ các nước bị điều tra trợ cấp như Trung Quốc, Ấn Độ – đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada.

Công ty TNHH Công nghiệp Wooju Việt Nam đã tái cấu trúc toàn bộ chuỗi cung ứng, kiểm soát nguồn gốc nội bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch cho mặt hàng xuất khẩu.

Công ty TNHH Công nghiệp Wooju Việt Nam đã tái cấu trúc toàn bộ chuỗi cung ứng, kiểm soát nguồn gốc nội bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch cho mặt hàng xuất khẩu.

Tại Thanh Hóa, tình trạng này đã bắt đầu tác động rõ nét đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, nông sản chế biến và thiết bị gia dụng. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp lớn cho biết các đơn hàng xuất sang Mỹ đã bị trì hoãn hoặc chuyển hướng do đối tác yêu cầu minh bạch xuất xứ đến từng mã nguyên liệu, đặc biệt là với vải sợi, phụ kiện, hóa chất xử lý. Công ty TNHH Công nghiệp Wooju Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm như chăn, thảm, đệm và trang phục xuất khẩu là một trong những đơn vị đang chịu tác động trực tiếp. Trước đây, hơn 70% nguyên liệu đầu vào của công ty đến từ Trung Quốc nhờ giá rẻ và nguồn cung ổn định. Tuy nhiên, từ giữa năm 2024, các đối tác lớn tại Mỹ và Hàn Quốc đã yêu cầu chứng từ chi tiết về nguồn gốc từng cuộn vải, sợi chỉ, thậm chí cả bao bì và tem nhãn, nhằm đảm bảo không có yếu tố trợ cấp từ quốc gia bị điều tra. Trước yêu cầu gắt gao này, Wooju buộc phải tái cấu trúc toàn bộ chuỗi cung ứng, chuyển sang nhập khẩu từ các nước ASEAN có độ tin cậy cao hơn, đồng thời xây dựng lại hệ thống kiểm soát nguồn gốc nội bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch. Việc này khiến chi phí tăng đáng kể, nhưng theo chia sẻ từ đại diện công ty, đây là cái giá cần thiết để duy trì thị trường xuất khẩu.

Trường hợp này không phải là cá biệt mà đang trở thành xu hướng phổ biến với các DN dệt may, da giày, gia dụng tại Thanh Hóa. Song trong thách thức ấy cũng mở ra cơ hội rất rõ ràng, chỉ khi nào DN chủ động làm chủ chuỗi cung ứng, nội địa hóa nguyên liệu và xây dựng hệ thống truy xuất xuất xứ bài bản mới có thể giữ được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Từ đó, việc nâng cấp chuỗi cung ứng không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn để thích ứng với một trật tự thương mại mới.

Tại huyện Ngọc Lặc, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh, thuộc Công ty CP Sản xuất chế biến Nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh – chuyên xuất khẩu tinh bột sắn sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc đã có bước đi đáng chú ý. Nhận thấy rào cản xuất xứ ngày càng siết chặt, đặc biệt tại các thị trường Đông Á, công ty đã chủ động liên kết vùng với hàng trăm hộ dân trồng sắn tại các xã Minh Tiến, Ngọc Liên và Minh Sơn, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP. Nhờ đó, toàn bộ chuỗi từ giống – trồng – thu hoạch – chế biến – đóng gói đều được kiểm soát và truy xuất bằng mã QR gắn với từng lô hàng. Chính sự minh bạch và đầu tư bài bản này giúp DN duy trì hợp đồng dài hạn với các đối tác lớn, tránh nguy cơ bị điều tra xuất xứ hay áp dụng thuế đối ứng – trong khi nhiều đơn vị khác phải quay về thị trường nội địa vì không chứng minh được chuỗi cung ứng hợp lệ.

Ông Ngô Tiến Quang, Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất chế biến Nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, chia sẻ: “Xuất khẩu giờ không chỉ là chất lượng sản phẩm, mà còn là câu chuyện của tính minh bạch và kiểm soát rủi ro trong chuỗi cung ứng. Nếu chúng tôi vẫn nhập sắn từ nhiều nguồn không rõ truy xuất, rủi ro bị áp thuế đối ứng có thể khiến giá thành đội lên gấp rưỡi, mất toàn bộ lợi thế cạnh tranh. Việc liên kết vùng nguyên liệu không chỉ giúp ổn định chất lượng, mà còn là tấm “hộ chiếu uy tín” để đi đường dài với các thị trường lớn".

Thực tế cho thấy, Thanh Hóa có đầy đủ nền tảng để xây dựng và nâng cấp chuỗi cung ứng nội địa. Với sự phát triển nhanh của công nghiệp và nông nghiệp, cùng hệ thống logistics ngày càng hoàn thiện, tỉnh có tiềm năng lớn để hình thành chuỗi liên kết giữa các nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu và các DN dịch vụ hỗ trợ. Tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp lớn, nhiều nhà đầu tư FDI đã kéo theo hệ sinh thái cung ứng phụ trợ, từ đóng gói, bao bì, vận chuyển đến nguyên liệu bán thành phẩm. Nếu tận dụng tốt, các DN trong tỉnh có thể vừa thay thế được các nguồn cung nhập khẩu có rủi ro về xuất xứ, vừa chủ động hơn trong việc kiểm soát chi phí và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, nâng cấp chuỗi cung ứng không phải là bài toán mà DN có thể tự giải. Rất nhiều DN, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ tại Thanh Hóa, vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu, triển khai công nghệ truy xuất hoặc liên kết với các đối tác chiến lược. Một số DN còn thiếu thông tin cập nhật về quy định thuế đối ứng ở các thị trường nhập khẩu và chưa có chiến lược dài hạn để thích nghi.

Trong bối cảnh đó, vai trò hỗ trợ từ chính quyền địa phương và hiệp hội ngành hàng trở nên đặc biệt quan trọng. Những chính sách như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ chi phí chứng nhận xuất xứ, tổ chức tập huấn về thương mại quốc tế hay xây dựng cơ sở dữ liệu nhà cung cấp nội địa sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn. Đồng thời, việc phát triển các cụm liên kết ngành – nơi một DN đầu tàu dẫn dắt toàn chuỗi vệ tinh cùng nâng cao tiêu chuẩn – sẽ là chìa khóa để tăng sức cạnh tranh, tạo lợi thế quy mô và nâng cao khả năng đàm phán trên thị trường xuất khẩu.

Trước tình hình xuất khẩu ngày càng khốc liệt và rào cản thuế quan biến hóa liên tục, bài toán xuất xứ và thuế đối ứng chính là phép thử về tư duy dài hạn của DN. Chỉ khi nào DN dám đầu tư vào nền tảng, dám từ bỏ sự tiện lợi trước mắt để lựa chọn giải pháp minh bạch, có kiểm soát, họ mới đủ sức tồn tại và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với tiềm năng và chuyển động tích cực hiện tại, Thanh Hóa hoàn toàn có thể trở thành địa phương tiên phong về chuỗi cung ứng minh bạch và bền vững – nơi mà mỗi sản phẩm không chỉ mang nhãn “made in Vietnam”, mà còn là minh chứng rõ ràng cho năng lực làm chủ và sáng tạo của DN Việt trong thời đại hội nhập mới.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thue-doi-ung-va-bai-toan-xuat-xu-co-hoi-nbsp-de-doanh-nghiep-nang-cap-chuoi-cung-ung-249570.htm