Thuế nhập khẩu của ông Trump có thể gây ra cú sốc về giá ôtô

Mức thuế 25% đối với các phương tiện và phụ tùng ôtô nhập khẩu vào thị trường Mỹ của ông Trump có khả năng gây ra những tác động đến giá ôtô còn lớn hơn nhiều so với Covid-19.

 Thuế nhập khẩu ôtô dự kiến của ông Trump có thể tạo ra cú sốc giá và đe dọa chuỗi cung ứng. Ảnh: Reuters.

Thuế nhập khẩu ôtô dự kiến của ông Trump có thể tạo ra cú sốc giá và đe dọa chuỗi cung ứng. Ảnh: Reuters.

Sau đại dịch, ngành ôtô Mỹ vẫn chưa hết lao đao vì những cú sốc chuỗi cung ứng và lạm phát dai dẳng. Giá xe cũ, xe mới, phụ tùng thay thế, chi phí vay mua xe và bảo hiểm đều tăng vọt, theo Reuters.

Hiện, giá xe và phụ tùng đắt hơn 20% so với trước đại dịch, trong khi chi phí bảo hiểm tăng hơn 60%. Điều này đã trở thành một nhân tố thúc đẩy lạm phát tiêu dùng, và Tổng thống Donald Trump có thể khiến tình hình thêm căng thẳng với kế hoạch áp thuế 25% đối với xe nhập khẩu.

Sốc giá và gián đoạn chuỗi cung ứng

Các chuyên gia cho rằng tác động của thuế nhập khẩu lần này có thể kéo dài hơn so với cú sốc chuỗi cung ứng do đại dịch, khi các nhà máy và cảng dần mở lại, đưa linh kiện và chip điện tử quay trở lại thị trường.

"Thuế nhập khẩu 25% đối với ôtô và linh kiện sẽ đẩy giá lên ngay lập tức và làm đảo lộn chuỗi cung ứng do Mỹ nhập khẩu khoảng một nửa số ôtô bán ra và phần lớn linh kiện", Art Wheaton, chuyên gia về công nghiệp vận tải tại Đại học Cornell, nhận định.

Wheaton ước tính mức thuế của ông Trump có thể khiến giá xe tăng thêm từ 10.000 đến 20.000 USD, tùy vào mức độ ảnh hưởng của các loại thuế đánh lên linh kiện nhập khẩu.

Đặc biệt, bối cảnh hiện tại đã khác xa thời điểm hậu đại dịch - khi người tiêu dùng còn được hỗ trợ tài chính. Với tỷ lệ vỡ nợ vay mua xe tăng cao và tài chính hộ gia đình căng thẳng, chính sách thuế mới có thể biến giấc mơ sở hữu ôtô thành gánh nặng.

 Doanh số xe mới và lắp ráp tại Mỹ qua các năm. Biểu đồ: Reuters.

Doanh số xe mới và lắp ráp tại Mỹ qua các năm. Biểu đồ: Reuters.

Trong khi ông Trump kỳ vọng đưa sản xuất về nội địa để tạo việc làm, các chuyên gia cho rằng quá trình này sẽ mất hàng thập kỷ và tốn kém khổng lồ.

Trong một thị trường ôtô đầy cạnh tranh, người tiêu dùng vẫn có quyền lựa chọn thương hiệu, và các hãng xe đối mặt với thuế quan sẽ phải quyết định xem họ sẽ chuyển phần chi phí tăng thêm sang khách hàng, chấp nhận giảm lợi nhuận, hay cắt giảm chi phí sản xuất.

Chủ tịch Fed Richmond, ông Thomas Barkin, cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến một kịch bản khác: Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trong ngành công nghiệp ôtô để đối phó với áp lực chi phí.

"Các công ty sẽ phải trả lời câu hỏi: Liệu họ có chuyển gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng, chịu lỗ biên lợi nhuận, hay tìm cách cắt giảm chi phí ở một khâu nào đó trong quy trình sản xuất?", ông Barkin nói.

Chính quyền Trump lập luận rằng thuế nhập khẩu sẽ tái định hình ngành sản xuất ôtô Mỹ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, nhưng thực tế hệ thống hiện tại - được củng cố qua Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định thương mại giữa Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) - đã giữ giá xe ổn định suốt gần 30 năm trước đại dịch, mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng trung lưu, nhóm mà ông Trump hứa bảo vệ.

Giờ đây, kế hoạch "sản xuất tại một điểm" của ông Trump có thể làm đảo ngược hàng thập kỷ hội nhập trong ngành sản xuất ôtô. Các nhà máy của Nhật Bản, Đức tại Đông Nam Mỹ phụ thuộc nặng vào linh kiện nhập khẩu. Chuyển đổi chuỗi cung ứng không chỉ chậm mà còn đẩy chi phí lên cao, chưa kể nguy cơ gián đoạn sản xuất.

Lạm phát và rủi ro kinh tế

Nếu thuế nhập khẩu của ông Trump được triển khai, không chỉ giá xe tăng cao, mà cả nền kinh tế cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khó lường.

Michael Feroli, chuyên gia kinh tế tại JP Morgan, cảnh báo rằng thuế nhập khẩu có thể khiến lạm phát tăng và làm chậm tăng trưởng kinh tế, phù hợp với những dự báo giảm tốc gần đây từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo Feroli, thuế quan có thể đẩy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), không tính thực phẩm và năng lượng, tăng thêm 0,3 điểm phần trăm vào cuối năm, lên mức 3,1% - cách xa mục tiêu 2% của Fed.

"Sức mua thực tế của người tiêu dùng sẽ bị thu hẹp hơn nữa, khiến chi tiêu suy giảm. Đồng thời, tâm lý kinh doanh đi xuống sẽ kéo mức tăng trưởng kinh tế giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 1,3% - một con số ảm đạm", ông nói.

Dữ liệu PCE mới nhất công bố vào ngày 28/3 cho thấy giá cốt lõi trong tháng 2 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,7% của tháng 1, tiếp tục trì trệ thay vì tiến gần hơn đến mục tiêu của Fed.

 Chuyên gia kinh tế Michael Feroli cảnh báo thuế nhập khẩu có thể làm tăng lạm phát, gây rủi ro kinh tế. Ảnh: Bloomberg.

Chuyên gia kinh tế Michael Feroli cảnh báo thuế nhập khẩu có thể làm tăng lạm phát, gây rủi ro kinh tế. Ảnh: Bloomberg.

Chính sách thuế nhập khẩu có thể khiến Fed cảnh giác hơn với lạm phát, từ đó siết chặt chính sách tiền tệ và đẩy lãi suất vay mua ôtô lên cao - một cú sốc tài chính không chỉ dừng lại ở giá xe.

Chủ tịch Fed St. Louis, ông Alberto Musalem, trong phát biểu tuần này, cho biết dù về lý thuyết, thuế nhập khẩu chỉ gây ra cú sốc giá một lần, nhưng tác động lâu dài là điều không thể bỏ qua. Khi các doanh nghiệp nhập khẩu điều chỉnh, các nhà sản xuất trong nước cũng có cơ hội nâng giá.

Các chuyên gia kinh tế của Fed ước tính mức thuế đề xuất có thể làm PCE tăng thêm 1,2 điểm phần trăm, trong đó hơn một nửa đến từ các tác động gián tiếp có thể kéo dài. Với việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao hơn mục tiêu khoảng 0,5 điểm phần trăm, Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thue-nhap-khau-cua-ong-trump-co-the-gay-ra-cu-soc-ve-gia-oto-post1542402.html