Thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng cao làm khó doanh nghiệp

Hiện nay, sản xuất công nghiệp đang gặp phải khó khăn là chi phí nhập linh kiện về sản xuất rất cao, khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, khó cạnh tranh với hàng ngoại. Nguyên nhân có một phần là do bất cập của thuế nhập khẩu linh kiện quá cao so với nhập khẩu nguyên chiếc.

Kiểm tra sản phẩm van phòng cháy tại Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng. Ảnh: V.Gia

Kiểm tra sản phẩm van phòng cháy tại Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng. Ảnh: V.Gia

Sản xuất công nghiệp chế tạo là xương sống của ngành công nghiệp và tương lai của nền kinh tế. Thời gian qua, sản phẩm công nghiệp nội địa của các doanh nghiệp (DN) trong nước luôn yếu thế vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu và sản phẩm của các tập đoàn, DN nước ngoài.

* DN gặp khó

Trong ngành sản xuất thiết bị phòng cháy, chữa cháy, các DN đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu bởi sự chênh lệch quá lớn giữa nhập khẩu linh kiện và nhập khẩu nguyên chiếc.

Tại Hội thảo Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn được tổ chức ngày 28-5, Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Việt Nam Nguyễn Đỗ Tùng Cương cho biết, các DN đang rơi vào thế bí. Nguyên nhân là chưa có chính sách ưu đãi thuế tổng thể và chưa có hệ thống cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, phương tiện, thiết bị phục vụ... Đồng thời, thuế suất nhập khẩu của nhiều nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị đang cao hơn thuế suất nhập khẩu của phương tiện, thiết bị hoàn thiện cho sản phẩm cùng loại.

Theo các DN ngành chế biến, chế tạo, khuôn mẫu, để tạo động lực cho sản xuất trong nước cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu cũng như sản phẩm của DN có vốn đầu tư nước ngoài, rất cần chính sách hỗ trợ, bảo hộ sản xuất tương tự như cách Trung Quốc đã làm trong thời gian qua.

Trong thực tế, các DN cho rằng, hiện thuế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị nguyên chiếc được hưởng mức thuế 0%, nhưng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu lại chịu thuế cao, có những chi tiết phải đóng mức thuế đến 25%; thậm chí, có linh kiện có mức thuế đến 30%, chẳng hạn như mô tơ… Điều này đẩy giá thành của sản phẩm sản xuất trong nước cao hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu nguyên chiếc.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) Phan Văn Tứ cho rằng, cách tính thuế nhập khẩu linh kiện như trên gây nhiều khó khăn cho DN chế tạo máy trong nước. Do vậy, điều các DN mong muốn hiện nay là cần có sự cân bằng hơn trong việc nhập khẩu linh kiện và nhập sản phẩm nguyên chiếc để hỗ trợ đơn vị sản xuất trong nước, hạn chế bất cập so với nhập khẩu.

* Khó khuyến khích DN đầu tư vào sản xuất

Theo các DN, việc chi phí nhập linh kiện quá cao so với nhập khẩu sản phẩm hoàn thiện, nguyên chiếc sẽ ảnh hưởng không tốt đến ý chí sản xuất. Nhiều DN không mặn mà đầu tư máy móc công nghệ, bởi sẽ thua thiệt hơn so với khi nhập khẩu sản phẩm hoàn thiện về bán lại.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Chien You Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Hà Ngọc Dũng cho hay, công ty chuyên sản xuất các thiết bị, sản phẩm về cơ khí, chế tạo. Trong đó, các loại sơ-mi rơ-moóc chuyên dùng trong vận tải hàng hóa là sản phẩm chủ đạo của DN. Để sản xuất các loại sản phẩm này, DN phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu, linh kiện chuyên dùng. Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu nguyên liệu cao như hiện nay khiến cho DN phần nào cảm thấy nản lòng.

Ngoài việc phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp, các DN trong nước còn phải chịu thêm nhiều loại chi phí để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh như: thử nghiệm động cơ, đánh giá chất lượng linh kiện nhập khẩu. Cùng với đó là các chi phí khấu hao đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp, quản lý, đào tạo nhân công, chi phí nội địa hóa...

Trong lĩnh vực sản xuất phương tiện vận tải nói chung và xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc nói riêng, nên có biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước, tạo động lực để DN tập trung phát triển sản phẩm của Việt Nam, từ đó tự chủ sản xuất, tự chủ công nghiệp.

Thuế nhập khẩu một số loại linh kiện Việt Nam chưa sản xuất được đang cao hơn nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc. Theo các DN, điều này vô tình gây thêm lực cản, dẫn đến sự bất lợi giữa DN kinh doanh nhập nguyên chiếc và DN kinh doanh nhập linh kiện lắp ráp, sản xuất. Nếu tình hình này kéo dài, các DN không dại gì đổ vốn đầu tư sản xuất, nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm, bởi việc này cần rất nhiều vốn nhưng lại bất lợi trong cạnh tranh. Thay vì sản xuất mà chỉ thu được lợi nhuận thấp, DN sẽ hướng sự chú ý đến việc nhập khẩu nguyên chiếc, vừa nhanh có lợi nhuận, lại ít phải đầu tư vào các khâu phức tạp. Tuy nhiên, như vậy thì sản xuất trong nước không phát triển được.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/thue-nhap-khau-linh-kien-phu-tung-cao-lam-kho-doanh-nghiep-8cf5b69/