Thuế quan của Mỹ: Các nhà máy lọc dầu châu Âu và châu Á hưởng lợi
Các mức thuế quan mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên dầu nhập khẩu từ Canada và Mexico sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà máy lọc dầu châu Âu và châu Á so với các đối thủ ở Mỹ.
Các nhà phân tích và những người tham gia thị trường cho biết, các mức thuế quan mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên dầu nhập khẩu từ Canada và Mexico sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà máy lọc dầu châu Âu và châu Á so với các đối thủ ở Mỹ.
Ngày 1/2, ông Trump đã ra lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, cùng với mức thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 4/2. Biện pháp này được Mỹ tuyên bố là để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp. Các sản phẩm năng lượng từ Canada sẽ chịu mức thuế 10%, trong khi dầu nhập khẩu từ Mexico sẽ bị áp mức thuế cao nhất là 25%.
Theo các nguồn tin trong ngành, thuế quan đối với hai nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất của Mỹ sẽ làm tăng chi phí cho các loại dầu thô nặng mà các nhà máy lọc dầu nước này cần để tối ưu hóa sản xuất. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của họ và có thể buộc họ phải cắt giảm sản lượng.
Tình thế này mở ra cơ hội cho các nhà máy lọc dầu ở các thị trường khác. Hiện tại, Mỹ là nước xuất khẩu dầu diesel và nhập khẩu xăng.
Ông David Wech, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn Vortexa, nhận định việc Mỹ giảm xuất khẩu dầu diesel sẽ hỗ trợ các công ty châu Âu có thể có thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường xăng đang chịu nhiều áp lực này. Nhìn chung, đây là một tin tích cực cho các nhà máy lọc dầu châu Âu, nhưng có thể không tốt cho người tiêu dùng châu Âu.
Giám đốc điều hành tại một công ty môi giới cho biết lợi nhuận của các công ty châu Âu có thể tăng lên vì vùng Đông Bắc nước Mỹ sẽ phải nhập khẩu nhiều xăng hơn. Ông cho rằng các nhà máy lọc dầu châu Âu và châu Á sẽ là những người thắng lớn.
Theo ông Matias Togni, nhà sáng lập công ty phân tích Next Barrel, thuế quan cũng có khả năng buộc các nhà cung cấp dầu thô bị ảnh hưởng phải giảm giá để tìm người mua. Các nhà máy lọc dầu châu Á có vị thế tốt để tận dụng dầu thô giá rẻ từ Mexico và Canada, điều cũng có thể thúc đẩy lợi nhuận của họ.
Ông Randy Hurburun, người đứng đầu bộ phận lọc dầu tại Energy Aspects, cho biết các nhà máy lọc dầu châu Á có lợi thế cạnh tranh vì họ có thiết bị để xử lý dầu thô nặng và cũng đang trong quá trình tăng công suất hoạt động.
Việc mở rộng đường ống Trans Mountain (TMX) tại Canada, được đưa vào hoạt động từ tháng 5/2024, cho phép vận chuyển thêm 590.000 thùng/ngày đến bờ biển Thái Bình Dương của Canada. Các nguồn tin thương mại cho biết, việc tăng lượng hàng vận chuyển qua TMX đến Trung Quốc có thể thay thế lượng nhập khẩu từ Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la) và Saudi Arabia (Arập Xê-út).
Ông Wech của Vortexa cho biết thêm, các nhà máy lọc dầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có thể tận đụng các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá nhiên liệu đến Bờ Tây nước Mỹ, nơi có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào cao hơn do phải nhập dầu thô từ xa hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những dự đoán rằng các nhà máy lọc dầu ở vùng Trung Tây sẽ tiếp tục mua dầu thô của Canada, ngay cả khi có thuế quan, và có thể chuyển chi phí đó sang cho người tiêu dùng tại các trạm xăng.
Ông Stewart Glickman, nhà phân tích nghiên cứu cổ phiếu tại CFRA Research, cho biết người dân ở vùng Trung Tây có thể sẽ phải trả thêm 20 xu hoặc 25 xu một gallon xăng (1 gallon = 3,78 lít).
*Bài toán nguyên liệu đầu vào của Mỹ
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy, dầu thô Canada và Mexico chiếm khoảng 28% lượng dầu thô mà các nhà máy lọc dầu Mỹ sử dụng trong năm 2023. Các nhà máy lọc dầu nội địa ở vùng Trung Tây đặc biệt phụ thuộc vào dầu từ Canada.
Các nhà phân tích cho biết, khả năng các nhà máy lọc dầu Mỹ tăng cường sử dụng dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) thay thế dầu Canada và Mexico sẽ bị hạn chế do sự khác biệt về chất lượng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Canada đạt mức cao nhất kỷ lục trong tuần kết thúc vào ngày 3/1, có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà máy lọc dầu đang tích trữ hàng trước nguy cơ áp thuế. Nhập khẩu đã giảm nhẹ kể từ đó, đạt 3,72 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 24/1, nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu Mỹ đã giảm so với mức kỷ lục trong năm 2022. Chẳng hạn như, tập đoàn dầu khí Chevron đã báo cáo lợi nhuận quý IV/2024 thấp hơn so với ước tính của Phố Wall, sau khi lợi nhuận yếu kém kéo mảng kinh doanh lọc dầu của họ vào tình trạng thua lỗ lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Thuế quan và giá cả tăng cao sau đó có thể làm giảm thêm khả năng tạo ra lợi nhuận ổn định của các nhà máy lọc dầu Mỹ.
* Các công ty Bắc Mỹ gặp bất lợi
Đối với các công ty Bắc Mỹ, thời điểm "chờ xem" về thuế quan đã qua. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, cùng với mức thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, có thể là giai đoạn mở đầu của một cuộc chiến thương mại toàn diện, có khả năng tạo ra những rắc rối mới cho các giám đốc điều hành vốn đã phải vật lộn với chi phí cao hơn trong nhiều năm qua.
Thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ có thể làm đảo lộn các ngành công nghiệp, từ ô tô đến hàng tiêu dùng và năng lượng.
Các giám đốc điều hành (CEO) đã có thể né tránh các câu hỏi về việc đối phó với thuế quan trước ngày 1/2 và nhiều người muốn tránh đối đầu với chính quyền sau khi ông Trump nhậm chức. Tuy nhiên, phản ứng này có thể không còn khả thi nữa.
Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld, hiện đang giảng dạy tại Trường Quản lý Yale ở New Haven, Connecticut, cho biết tất cả các CEO đều bối rối trước thuế quan phi chiến lược, mà nhắm vào các đồng minh thân cận nhất thay vì các đối thủ.
Các nhà sản xuất ô tô như General Motors và Toyota có thể chuyển sản xuất từ các nhà máy nước ngoài sang Mỹ, trong khi các công ty như tập đoàn nhôm toàn cầu Alcoa đã đề xuất chuyển hướng các lô hàng để giảm gánh nặng thuế quan. Nhiều công ty đã đẩy nhanh các lô hàng trong quý IV/2024 trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Nghiên cứu cho thấy rằng thuế quan cao hơn thường dẫn đến giá cả tăng cao hơn, nhưng tác động chính xác vẫn chưa rõ ràng. Các chuyên gia nói với hãng tin Reuters rằng các doanh nghiệp có thể gánh chịu một phần hoặc toàn bộ gánh nặng thuế.