Cổ phiếu ô tô toàn cầu lao dốc mạnh trước lo ngại chiến tranh thương mại
Vào thứ Hai tuần này (3/2), cổ phiếu của các công ty ô tô lớn đã giảm mạnh khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế quan đã đe dọa từ lâu đối với hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Trước đó, ông Trump đã ký các sắc lệnh vào thứ Bảy tuần trước để áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa Mexico và hầu hết hàng hóa của Canada, đồng thời áp đặt mức thuế 10% đối với các sản phẩm năng lượng của Canada và hàng hóa của Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực từ thứ Ba.
Tổng thống Mỹ cảnh báo người Mỹ có thể cảm thấy "đau đớn" khi các biện pháp có hiệu lực, nhưng cho biết mức thuế quan là cần thiết.
Ông Trump mô tả thâm hụt thương mại của Mỹ với EU là một "tội ác", lặp lại những bình luận trước đó của ông rằng khối này đã "thực sự lợi dụng" Mỹ. Một phát ngôn viên của EU nói khối này sẽ "phản ứng kiên quyết" với bất kỳ mức thuế quan mới nào của Mỹ đối với hàng hóa của mình.
Các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương giao dịch thấp hơn vào đêm qua sau động thái áp thuế của ông Trump, trong khi hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào đêm Chủ Nhật khi các nhà đầu tư cân nhắc thuế quan mới của Mỹ và tác động tiềm tàng của chúng đối với nền kinh tế và lợi nhuận của công ty.
Canada và Mexico cũng đã có động thái đáp trả, đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa bao gồm cả thuế quan.
Cổ phiếu của các hãng ô tô lớn của Nhật Bản là Toyota và Nissan đều giảm hơn 5% vào thứ Hai, trong khi đối thủ trong nước là Honda giảm 7,2%. Cổ phiếu của Mazda Motor Corp niêm yết tại Nhật Bản đã giao dịch thấp hơn 7,5%, trong khi Kia Motor Corp giảm gần 6%.
Volkswagen của Đức giảm 6,8% trong các giao dịch buổi sáng, trong khi các đối thủ trong nước là Porsche và BMW đều giảm hơn 4%.
"Chúng tôi tin rằng khoảng 8 tỷ euro (8,2 tỷ USD) doanh thu của VW bị ảnh hưởng bởi thuế quan và khoảng 16 tỷ euro doanh thu của Stellantis", các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Stifel nhấn mạnh.
Họ ước tính tác động đầy đủ của thuế quan vào khoảng 12% thu nhập hoạt động của Volkswagen vào năm 2025 và 40% tại Stellantis.
Volkswagen cho biết vào Chủ Nhật rằng họ đang trông chờ vào các cuộc đàm phán để tránh xung đột thương mại.
Các nhà phân tích của JPMorgan thì nhận định các công ty sẽ đưa ra cam kết với chính Mỹ trong tuần này về việc làm và sản xuất xe tại Mỹ thay vì Mexico và Canada.
Đồng thời các chuyên gia cũng dự đoán mức thuế quan của ông Trump sẽ có tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, với lý do phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất trên khắp Bắc Mỹ, đặc biệt là ở Mexico và chuỗi cung ứng phức tạp.
Ông Trump ám chỉ rằng Liên minh châu Âu có thể là cái tên tiếp theo phải đối mặt với thuế quan. Ông nói với các phóng viên rằng các mức thuế bổ sung đối với khối này có thể được áp dụng "sớm".
Về phần mình, khối 27 quốc gia này đã cam kết sẽ đáp trả bất kỳ mức thuế nào của Mỹ theo cách “tương xứng”.
Thương mại ô tô giữa Mỹ và EU theo truyền thống là trụ cột cốt lõi cho sự thành công của ngành công nghiệp ô tô châu Âu.
Theo phân tích của Oxford Economics, thuế quan đối với ô tô nhập khẩu từ EU có thể sẽ làm tăng chi phí ô tô châu Âu tại thị trường Mỹ. Bước đi này cũng có khả năng dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu ô tô của EU sang thị trường cực kỳ quan trọng là Mỹ.
Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, viễn cảnh về thuế quan của Mỹ đối với ô tô châu Âu xuất hiện vào thời điểm các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hàng đầu của nước này đang chao đảo.
Volkswagen, Mercedes-Benz Group và BMW đều đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận trong những tháng gần đây, với lý do kinh tế suy yếu và nhu cầu chậm chạp ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường mở và quan hệ thương mại ổn định. Đây là những yếu tố thiết yếu đối với nền kinh tế cạnh tranh và đặc biệt là đối với ngành công nghiệp ô tô", hãng sản xuất ô tô này cho biết. "Chúng tôi đang trông cậy vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa các đối tác thương mại để đảm bảo an ninh lập kế hoạch và ổn định kinh tế, đồng thời tránh xung đột thương mại”.
Một phát ngôn viên của BMW mô tả thương mại tự do là "một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng và tiến bộ", đồng thời lưu ý rằng "mặt khác, thuế quan cản trở thương mại tự do, làm chậm quá trình đổi mới và tạo ra một vòng xoáy tiêu cực. Cuối cùng, chúng là không có lợi cho khách hàng, khiến sản phẩm đắt hơn và kém sáng tạo hơn”.