Thuế quan của ông Trump sẽ khiến lạm phát Mỹ 'nóng' trở lại

Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều chi phí đắt đỏ hơn, đặc biệt ở mặt hàng thực phẩm, khi Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico…

Vào ngày 31/1 (theo giờ Mỹ), Nhà Trắng tuyên bố các mức thuế quan bổ sung đối với Canada và Mexico sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/2, bác bỏ các đồn đoán trước đó về việc tạm hoãn cho đến 1/3.

Ngay từ khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, trừ khi hai nước này có động thái ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép và buôn lậu chất fentanyl nguy hiểm vào Mỹ. Ông cũng tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc vì vai trò của quốc gia tỷ dân trong vấn nạn fentanyl.

Về phần mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết họ sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nhưng hợp lý nếu Mỹ áp thuế, đồng thời chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các tác động từ một cuộc chiến thương mại. "Tôi biết người dân Canada có thể đang cảm thấy lo lắng và bất an, nhưng tôi muốn họ hiểu rằng chính phủ và tất cả các cấp chính quyền sẽ luôn sát cánh cùng họ”, ông Trudeau nhấn mạnh.

Theo nhận định từ các chuyên gia, người chịu ảnh hưởng lớn nhất có lẽ sẽ là người tiêu dùng Mỹ. “Bất kỳ khoản chi phí bổ sung thêm vào dưới dạng thuế quan đều sẽ đánh vào túi tiền người tiêu dùng. Tôi cho rằng thuế quan không phải là một giải pháp hiệu quả”, ông David Cutler, phát ngôn viên của Hiệp hội Các nhà bán lẻ thực phẩm quốc gia lưu ý.

Trong khi đó, chính quyền ông Donald Trump khẳng định việc áp thuế sẽ không khiến giá cả tại Mỹ tăng lên. Phó Tổng thống JD Vance hôm Chủ nhật cho biết giá tiêu dùng sẽ bắt đầu giảm, nhưng có thể không ngay lập tức.

Trên thực tế, thuế nhập khẩu sẽ là do các công ty nhập khẩu chịu, chứ không phải các nhà xuất khẩu; và rõ ràng là họ sẽ phải chấp nhận lợi nhuận thấp hơn hoặc chuyển phần chi phí này sang người tiêu dùng.

Người tiêu dùng Mỹ đã phải vật lộn với lạm phát cao kể từ đại dịch Covid-19. Ở thời điểm hiện tại, giá thịt bò tại Mỹ đang neo ở gần mốc kỷ lục, trong khi giá trứng gà cũng tăng vọt do dịch cúm gia cầm hoành hành. Bệnh cúm ở bò sữa cũng khiến sản lượng tại California - bang sản xuất lớn nhất - sụt giảm nghiêm trọng.

Nguy cơ gián đoạn nguồn cung bởi thuế quan sẽ khiến tình hình càng trở nên căng thẳng hơn. “Mỹ nhập phần lớn trái cây và rau tươi từ Mexico và Canada, vì vậy chắc chắn giá các mặt hàng này sẽ tăng lên. Đó cũng là những sản phẩm khó có thể thay thế kịp thời. Bạn không thể trồng cà chua ở bang Illinois vào tháng Một và mong chúng kịp phát triển”, ông Rob Fox, nhà kinh tế và giám đốc Trung tâm Tri thức CoBank cho biết.

Hiệp hội Các nhà bán lẻ thực phẩm quốc gia ước tính tới 40% sản phẩm rau quả tươi được bán trong các cửa hàng thực phẩm Mỹ là hàng nhập khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ Mỹ, khoảng hai phần ba lượng rau củ và một nửa lượng trái cây, hạt nhập khẩu của Mỹ đến từ Mexico, trong đó gần 90% bơ, 35% nước cam và 20% dâu tây.

Trong khi đó, Mỹ thường nhập khẩu hơn 1 triệu con bò từ Mexico mỗi năm. Bò Canada cũng được nhập vào Mỹ để vỗ béo và giết mổ. Các mức thuế hoặc gián đoạn thương mại sẽ khiến giá cả leo thang trong bối cảnh giá thịt bò hiện đã tăng 42% so với 4 năm trước.

Nhu cầu thịt bò tại Mỹ đạt mức cao nhất trong 38 năm vào năm 2024 bất chấp giá chạm mức kỷ lục. Giá bán lẻ thịt bò xay đạt đỉnh 5,67 USD/pound vào tháng 9 và mới chỉ giảm nhẹ vào tháng trước, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Trích dẫn dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Hải quan Mỹ, nước này đã nhập khẩu 195,9 tỷ USD hàng nông sản từ các nhà cung cấp trên toàn cầu vào năm 2023, trong đó gần 86 tỷ USD đến từ Mexico và Canada, chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/thue-quan-cua-ong-trump-se-khien-lam-phat-my-nong-tro-lai-post557510.html